Cạn kiệt nhiên liệu khiến nhiều hoạt động ở Sri Lanka ngừng trệ
Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera ngày 3-7 cho biết, lượng xăng dự trữ của nước này vào khoảng 4.000 tấn, dưới mức tiêu thụ trung bình trong một ngày, trong khi người dân vẫn xếp hàng kéo dài hàng kilomet qua khắp các con phố chính ở Thủ đô Colombo chờ mua nhiên liệu.
Người dân Sri Lanka xếp hàng kéo dài hàng kilomet chờ mua nhiên liệu |
Trở ngại lớn cho nền kinh tế
Quốc gia đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng này cuối tuần qua tiếp tục đóng cửa trường học vì không có đủ nhiên liệu để giáo viên và phụ huynh đưa trẻ đến lớp. Tất cả các trường học và tổ chức không thiết yếu của chính phủ đã được lệnh đóng cửa cho đến ngày 10-7 để giảm thiểu việc đi lại và tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, giao thông công cộng cũng đã ngừng hoạt động khi hầu hết các trạm xăng không có nhiên liệu trong nhiều ngày.
Tuần trước, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói rằng tình trạng thiếu xăng dầu sẽ kéo dài đến ngày 22-7 khi dự kiến sẽ có chuyến hàng dầu tiếp theo. “Việc thiếu nhiên liệu là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế và gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân. Khi chính phủ mới lên nắm quyền, sự thiếu hụt ngoại tệ thực sự đã góp phần vào tình trạng này. Kể từ đó, chúng tôi đã thực hiện các bước, đặc biệt là để có được khí đốt trong vài ngày tới”, ông Ranil Wickremesinghe cho biết. “Vấn đề là xăng dầu..., sẽ cần thêm một chút thời gian. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được lô hàng xăng vào ngày 22-7 nhưng tôi đã yêu cầu bộ trưởng có liên quan cố gắng nhận được hàng sớm hơn”.
Ngày 3-7, Thủ tướng Wijesekera tuyên bố với các phóng viên rằng chính phủ đã đặt lô hàng nhiên liệu mới và con tàu đầu tiên với 40.000 tấn dầu diesel dự kiến sẽ cập cảng vào ngày 8-7. Ông cho biết vấn đề chính là thiếu ngoại tệ và kêu gọi khoảng 2 triệu người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài gửi thu nhập ngoại hối của họ về nhà thông qua các ngân hàng thay vì các kênh không chính thức. Được biết, khoản tiền gửi của người lao động Sri Lanka ở nước ngoài thường ở mức 600 triệu USD/tháng, nhưng vào tháng 6 đã giảm xuống còn 318 triệu USD. “Kiếm tiền là một thách thức, một thách thức lớn”, nhà lãnh đạo này thừa nhận.
Tiếp tục cầm cự chờ… vay được tiền
Sự thiếu hụt ngoại tệ cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Sri Lanka, với 22 triệu dân phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng hàng ngày. Nước này cũng phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và tình trạng mất điện kéo dài kể từ cuối năm ngoái. Các nhà chức trách cũng thông báo cắt điện trên toàn quốc tới 3 giờ mỗi ngày kể từ 4-7 vì họ không thể cung cấp đủ nhiên liệu cho các trạm phát điện.
Tuần trước, Sri Lanka đã thông báo ngừng tất cả các hoạt động bán nhiên liệu trong vòng 2 tuần, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu, nhằm tiết kiệm xăng và dầu diesel cho các trường hợp khẩn cấp. Truyền thông địa phương đưa tin, đã xảy ra các cuộc đụng độ lẻ tẻ bên ngoài các trạm nhiên liệu. Quân đội phải nổ súng để giải tán một đám đông phản đối việc chen ngang của binh sĩ khi xếp hàng.
Suy thoái kinh tế cũng gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị với các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng trên khắp đất nước. Người biểu tình đã chặn các con đường chính để yêu cầu khí đốt và nhiên liệu. Trên truyền hình xuất hiện cảnh người dân ở một số khu vực tranh giành lượng xăng dầu cuối cùng. Trước đó, tại Thủ đô Colombo, những người biểu tình đã chiếm lối vào Văn phòng Tổng thống trong hơn 2 tháng để yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Sri Lanka gần đây mua nhiên liệu từ nguồn vay của nước láng giềng Ấn Độ cùng nguồn kiều hối, phần còn lại là từ các chủ nợ khác. Chính phủ cho biết họ cũng đang đàm phán với các nhà cung cấp nhiên liệu ở Nga và Malaysia. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tiếp tục đàm phán với Sri Lanka về gói cứu trợ 3 tỷ USD sau khi đại diện của tổ chức cho vay toàn cầu này kết thúc chuyến thăm 10 ngày tới Colombo. Tuy nhiên, việc giải ngân số tiền này ngay lập tức từ IMF là khó có thể xảy ra vì họ yêu cầu Sri Lanka trước tiên phải có nguồn trả nợ bền vững.
(Theo Al Jazeera)