• :
  • :

Hiện trạng tuyến đường Láng được đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng để mở rộng gấp đôi

Hà Nội - Vào giờ cao điểm, tuyến đường Láng (đoạn từ nút giao Cầu Giấy tới nút giao Ngã Tư Sở) thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ. Hà Nội dự kiến sẽ mở rộng tuyến đường này từ 21m lên 53,5m.

Hiện trạng tuyến đường Láng được đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng để mở rộng gấp đôi

Cảnh xe cộ chật kín tại nút giao đường Láng - Ngã Tư Sở vào giờ cao điểm buổi chiều. Ảnh: Nhật Minh

18h, Nguyễn Phan Anh (21 tuổi, Thanh Xuân) lại chật vật lưu thông qua tuyến đường Láng để trở về nhà. Việc lưu thông qua tuyến đường này vào giờ cao điểm là trải nghiệm ám ảnh đối với bạn.

“Có những hôm mình phải mất hơn 30 phút để lưu thông qua tuyến đường Láng này bởi ùn tắc và hỗn loạn giao thông, nhất là tại nút giao Ngã Tư Sở” - Phan Anh chia sẻ.

Phan Anh mong rằng, tuyến đường này sẽ sớm được mở rộng để góp phần giảm thiểu ùn tắc, giúp người dân lưu thông được thuận tiện hơn.

Thường xuyên lưu thông trên tuyến đường Láng để tới công ty, chị Phan Hà Vy (26 tuổi, Tây Hồ) cho biết, mỗi giờ cao điểm, tuyến đường này lại có hàng dài xe máy nối đuôi nhau, nhích từng chút một để di chuyển.

“Tôi từng phải đợi 4-5 lượt đèn đỏ để di chuyển qua các nút giao vì ùn tắc kéo dài” - chị Vy cho biết.

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 8.5, vào giờ cao điểm buổi chiều, tuyến đường Láng rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài.

Cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm tại đường Láng. Ảnh: Nhật Minh

Cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm tại đường Láng. Ảnh: Nhật Minh

Tại khu vực gần các nút giao với đường Lê Văn Lương, phố Yên Lãng hay nút giao Ngã Tư Sở, các phương tiện phải nối đuôi nhau thành hàng dài, nhích từng chút một để di chuyển qua đây.

Khu vực nút giao đường Láng - phố Yên Lãng hỗn loạn giao thông. Ảnh: Nhật Minh

Khu vực nút giao đường Láng - phố Yên Lãng hỗn loạn giao thông. Ảnh: Nhật Minh

Người dân phải nhích từng chút một tại đoạn đường gần ga Láng. Ảnh: Nhật Minh

Người dân phải nhích từng chút một tại đoạn đường gần ga Láng. Ảnh: Nhật Minh

Nút giao Láng - đường Lê Văn Lương luôn có lượng phương tiện lưu thông lớn. Ảnh: Nhật Minh

Nút giao đường Láng - đường Lê Văn Lương luôn có lượng phương tiện lưu thông lớn. Ảnh: Nhật Minh

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội về việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng).

Việc mở rộng đường vành đai 2 dưới thấp dài 3,8km kéo dài từ điểm đầu là nút giao Ngã Tư Sở tới điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến cho việc mở rộng là hơn 17.000 tỉ đồng, trong đó 16.700 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng và 541 tỉ đồng cho việc xây lắp.

Hiện tại, chiều rộng mỗi bên đường Láng là 10,5m. Sau khi cải tạo, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị.

Theo Sở GTVT Hà Nội, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Việc thực hiện dự án trên nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.