Hướng tới bắt buộc thực phẩm tại TPHCM phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định
Từ đầu năm 2024, TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm, được nâng cấp từ Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố. Báo Lao Động đã trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Bà đánh giá như thế nào về tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM thời gian qua?
- Trong những năm qua, tình hình an toàn thực phẩm của địa phương có nhiều khởi sắc. Thứ nhất, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, kịp thời xử lý nếu có sai phạm. Thứ hai, số vụ ngộ độc thực phẩm, giảm cả về quy mô, số lượng. Cuối cùng là thực phẩm sạch ngày càng tăng thông qua các chuỗi thực phẩm an toàn do những doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp ban đầu đăng ký tham gia.
Tất cả con số này có thể cho thấy bức tranh an toàn thực phẩm TPHCM có cải thiện và khởi sắc, nhưng chưa ở mức tốt nhất.
Số lượng các vụ ngộ độc giảm nhưng những trường hợp ngộ độc hy hữu vẫn xảy ra, như ngộ độc rượu gây chết người. Đơn cử, ngộ độc rượu lẫn methanol, rượu lẫn cồn công nghiệp đã có thể gây chết người hay ngộ độc botulinum, nhưng chưa thể kết luận cơ chế cụ thể do sản phẩm nào gây ra. Khi xảy ra thì không có thuốc cấp cứu, nên đã có người tử vong. Vì vậy, công tác phòng chống ngộ độc còn phải làm nhiều việc.
Chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đến từ ý thức của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng sẽ sớm được cấp thêm kinh phí cho công tác kiểm nghiệm. Ngoài ra, về nhân lực, có thể không cần tuyển thêm, chỉ cần tuyển đủ số 468 biên chế ban đầu.
Là người đứng đầu Sở An toàn thực phẩm, những định hướng cụ thể về đảm bảo an toàn thực phẩm cho thành phố thời gian tới ra sao, thưa bà?
- Thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch tại nguồn. Đặc biệt, phối hợp cùng các doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch, tìm được đầu ra, thị trường ổn định tại TPHCM bằng cách khuyến khích và tiến tới bắt buộc thực phẩm tại thành phố phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân thành phố dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở An toàn thực phẩm đã có kế hoạch ra sao?
- Sở thành lập 11 đoàn công tác cùng lực lượng liên ngành của địa phương cũng như chợ đầu mối. Từ nay đến Tết, sẽ tập trung vào khâu phân phối hàng hóa, đảm bảo cho người dân thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm.
Xin cảm ơn bà!