• :
  • :

Người dân nói gì về tên gọi dự kiến của Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình - Được khởi công từ tháng 7.2021, đến tháng 4.2024, Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh đã được khánh thành. Dự kiến tên công trình văn hóa được đầu tư xây dựng mới là “Nhà hát Phạm Thị Trân”.

Công trình công cộng Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Ninh Bình là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, trước đây là trụ sở của các đơn vị: Nhà hát Chèo Ninh Bình, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh (thuộc phường Thanh Bình, TP Ninh Bình).

s

Công trình có tổng diện tích sàn gần 8.500m2, có thời hạn sử dụng từ 50 đến 100 năm, là điểm nhấn nổi bật về mặt kiến trúc cảnh quan đô thị. Ảnh: Quỳnh Trang

s

Hội trường bên trong Nhà văn hóa Trung tâm. Ảnh: Quỳnh Trang

Căn cứ vào Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 21.1.2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, trong đó có quy định việc đặt tên cho các công trình công cộng và Văn bản số 369/UBND-VP6 ngày 26.4.2024 của UBND tỉnh Ninh Bình về xây dựng hồ sơ đặt tên công trình công cộng Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng dự thảo Đề án về việc về đặt tên công trình công cộng này với dự kiến tên công trình là “Nhà hát Phạm Thị Trân” - lấy theo tên của bà tổ nghề hát chèo.

Trước thông tin trên, nhiều người dân đều đồng tình với dự kiến tên gọi mới của công trình Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh.

Bà Vũ Mai Phương (phường Bích Đào, TP Ninh Bình) chia sẻ, việc đặt tên Nhà hát Phạm Thị Trân mang tính nổi trội, phù hợp với bản sắc của địa phương.

“Tôi rất đồng tình với việc đặt tên công trình công cộng Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh là Nhà hát Phạm Thị Trân, bởi vì Ninh Bình được xem như là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật hát Chèo gắn liền với truyền thuyết về nguồn gốc hát Chèo và cụ tổ nghề hát chèo Phạm Thị Trân” - bà Phương chia sẻ.

Mặt khác, việc đặt tên Nhà hát Phạm Thị Trân còn thể hiện trách nhiệm với lịch sử và tiền nhân.

“Việc đặt tên công trình công cộng Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh theo tên của bà tổ nghề hát chèo một phần để tôn vinh bà Phạm Thị Trân người đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật sân khấu chèo, đồng thời nhắc nhở, giáo dục các thế hệ sau bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” - ông Mai Văn Đàm (phường Thanh Bình, TP Ninh Bình) cho biết.

Theo lãnh đạo phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, việc đặt tên cho công trình công cộng Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh là việc làm hết sức cần thiết.

“Việc đặt tên cho công trình công cộng này phù hợp với Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc đặt tên này đã được căn cứ vào vị trí, cấp độ, quy mô của công trình công cộng để đặt tên cho tương xứng với ý nghĩa, tầm quan trọng của danh nhân, địa danh, di tích, danh thắng, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng và những chiến thắng chống xâm lược đã được chọn” - vị này chia sẻ.

Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh đang chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực và cơ sở vật chất để thực hiện việc đặt tên công trình công cộng Nà hát tỉnh sau khi Đề án được phê duyệt.

Bên cạnh đó, sở cũng đã đăng tải các thông tin về nội dung dự kiến đặt tên công trình công cộng "Nhà hát Phạm Thị Trân" để người dân tham gia đóng góp ý kiến.

Bà Phạm Thị Trân - người được vua Đinh Tiên Hoàng mời về kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) - chịu trách nhiệm dạy quân lính múa, hát, đánh trống, gảy đàn (bấy giờ gọi là hát trò nhời hay hát chèo) với nội dung, sắc thái mang tinh thần thượng võ và yêu nước. Dần dần, bà Phạm Thị Trân đưa nghệ thuật đó lên sân khấu. Sau đó, bà được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu bà. Từ đó, bà được các thế hệ sau suy tôn là Cụ tổ sân khấu Chèo đầu tiên của Việt Nam.