• :
  • :

Nhìn lại lịch sử hình thành, sáp nhập tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu

Cà Mau và Bạc Liêu là 2 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng có giai đoạn sáp nhập thành tỉnh Minh Hải.

Ngày 14.4.2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Theo đó, sáp nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau.

Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Cà Mau hiện nay, có diện tích tự nhiên 7.942,4 km2 và quy mô dân số 2.140.600 người.

Trong lịch sử, Bạc Liêu và Cà Mau cũng từng trải qua một lần hợp nhất.

Lịch sử thành lập Bạc Liêu - Cà Mau

Theo Từ điển địa chí Bạc Liêu (NXB Chính trị Quốc gia), những năm đầu thế kỷ XVI, Bạc Liêu còn là vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, sống chủ yếu theo các cửa sông Mỹ Thanh, Gành Hào, Bồ Đề, Sông Đốc. Cuộc sống tự quản của đồng bào Kinh, Khmer kéo dài gần 100 năm.

Năm 1680, người dân cư trú ở Mang Khảm, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày, Hưng Úc, Cần Bột, lập ra những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu.

Đến khoảng năm 1832, nhà Nguyễn chia Nam kỳ làm 6 tỉnh gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Trong đó, phần đất tính từ Châu Đốc đến Sóc Trăng, Bạc Liêu đến cửa sông Gành Hào thuộc tỉnh An Giang.

Tháng 11.1973, Khu ủy Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu với 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu.

Về phần Cà Mau, sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức (NXB Tổng hợp Đồng Nai) có chép: "Thời Gia Long, những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn, lập thành xóm, ấp. Tuy vậy, đến thời Tự Đức, Cà Mau vẫn là vùng rừng đước, vẹt, tràm, không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn".

Cuối thế kỷ 17, Mạc Cửu trong quá trình khai phá khu vực quanh Mang Khảm cũng lập ra những thôn xóm đầu tiên ở vùng đất Long Xuyên (Cà Mau ngày nay). Sau khi Mạc Cửu dâng toàn bộ phần đất này thần phục nhà Nguyễn, Mạc Thiên Tứ con của Mạc Cửu đã vâng lệnh triều đình chúa Nguyễn, lập ra đạo Long Xuyên.

Vào thời Gia Long thứ 7 (năm 1808) đổi tên đạo Long Xuyên thành huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên. Năm Minh Mạng thứ 6 (năm 1825), nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị.

Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu từng trải qua một lần hợp nhất trong lịch sử. Ảnh: Nhật Hồ

Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu từng trải qua một lần sáp nhập trong lịch sử. Ảnh: Nhật Hồ

Bạc Liêu - Cà Mau từng hợp nhất

Ngày 20.12.1975, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế.

Theo đó tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu được tiến hành hợp nhất vào ngày 1.1.1976, với tên gọi ban đầu là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu.

Theo đề nghị của Tỉnh ủy, được Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ đồng ý, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu đổi tên thành tỉnh Minh Hải vào ngày 10.3.1976.

Ý nghĩa tên Minh Hải vừa là từ ghép gợi nhớ đến 2 địa danh cũ, vừa có nghĩa là biển sáng.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Minh Hải có 2 thị xã và 7 huyện. Tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải ban đầu đặt tại thị xã Bạc Liêu, lúc này lại được đổi tên là thị xã Minh Hải.

Đến tháng 11.1996, Quốc hội khóa IX phê chuẩn tách tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau (chính thức hoạt động từ tháng 1.1997 cho đến nay). Lúc này, tỉnh Bạc Liêu có một thị xã và 3 huyện. Tỉnh Cà Mau gồm một thị xã và 6 huyện.

Tài liệu lịch sử tỉnh Bạc Liêu ghi lại: "Việc hợp nhất cũng như tái lập tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau là do yêu cầu khách quan của lịch sử và là chủ trương của Đảng, Chính phủ trong phạm vi toàn quốc".

Hiện, tỉnh Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và 5 huyện. Tỉnh Cà Mau có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Cà Mau và 8 huyện.

Sắp tới đây, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau sẽ sáp nhập thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...