• :
  • :

Nỗ lực để sân bay Long Thành sẽ về đích đúng cam kết vào năm 2026

Những thông tin liên quan đến xây dựng Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã làm cho người dân phấn khởi. Trước đây, dự án phải bị lùi tiến độ hoàn thành từ năm 2025 sang năm 2026, và điều đáng mừng là khi bắt tay vào triển khai, nhiều hạng mục công trình thi công vượt tiến độ, hy vọng cam kết giai đoạn 1 của dự án cán đích năm 2026 không lỗi hẹn.

Hai hạng mục quan trọng là nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh đều vượt tiến độ. Đối với nhà ga hành khách, vượt tiến độ 20 ngày, đường cất hạ cánh vượt tiến độ 2 tháng. Với đà này, nếu chủ đầu tư và các nhà thầu quyết tâm, tính toán giỏi, chắc chắn sẽ rút ngắn thêm thời gian. Mục tiêu đặt ra là cán đích vào năm 2026, nhưng đầu năm, giữa năm, cuối năm khác nhau xa lắm.

Dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa rất lớn không chỉ với việc phát triển ngành hàng không, mà tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dự án sân bay Long Thành đưa vào vận hành khai thác giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách vào năm 2026, cần nguồn nhân lực gần 14.000 lao động từ phổ thông đến trên đại học. Khi phát triển đến giai đoạn 2, dự án này thu hút hàng chục nghìn lao động đủ mọi ngành nghề, góp phần ổn định xã hội.

Thêm một tin vui, đó là sau khoảng 1,5 năm thi công, dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã lộ rõ hình hài, đạt 100% khối lượng phần thô (vượt tiến độ 15 ngày). Với khả năng quản trị dự án và thi công tích cực hiện nay, dự án sẽ về đích dịp 30.4.2025.
Như vậy, sau khi nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành và đưa vào khai thác, đến năm 2026 sân bay Long Thành đi vào hoạt động, sẽ thay đổi "diện mạo" của ngành hàng không Việt Nam. Sân bay Long Thành hiện đại, sẽ "giải cứu" một phần áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất. Hành khách đi máy bay đến hai sân bay này sẽ thuận lợi hơn, được phục vụ với chất lượng cao hơn.

Còn nữa, sân bay Long Thành đi vào khai thác, không chỉ giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, mà còn giảm áp lực giao thông cho TPHCM. Hành khách ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương... không phải băng qua trung tâm TPHCM để đến sân bay Tân Sơn Nhất nếu chọn chuyến bay cất và hạ cánh tại sân bay Long Thành.

Có một việc cần nêu ra, đó là các dự án hạ tầng giao thông phải đồng bộ thì đi lại mới phát huy hiệu quả, người dân đi lại được thông suốt. Điển hình như dự án nút giao thông An Phú, đầu ra của cao tốc phía TPHCM, phải hoàn thành vào năm 2025 để "hòa mạng" với Dự án sân bay Long Thành vào năm 2026.