Tắc đường triền miên dịp cuối năm, Hà Nội loay hoay xử lý
Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội nhận định, càng về cuối năm, tình hình ùn tắc giao thông sẽ càng nghiêm trọng hơn. Do đó, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên ngành thực hiện các giải pháp đảm bảo cho người dân lưu thông thuận lợi nhất.
Phương tiện tăng cao dịp cuối năm
Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông (gồm 10 điểm phát sinh mới và 27 điểm tồn tại từ năm 2022). Trong số này có 17 điểm ùn tắc do rào chắn phục vụ thi công; 14 điểm do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; 2 điểm do đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; 4 điểm do quá tải lưu lượng phương tiện.
Từ kết quả khảo sát, Sở GTVT đã phối hợp với Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) thống nhất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý các vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế. Trong năm 2023, thành phố đã giải quyết được 15/37 điểm ùn tắc và 7 “điểm đen” tai nạn giao thông.
Theo ghi nhận của Lao Động, càng về cuối tháng 12, giao thông trên nhiều tuyến đường tại TP Hà Nội càng thêm ùn tắc. Nhất là tại các tuyến đường như: Nguyễn Trãi (đoạn từ đối diện Trường Đại học Hà Nội đến lối xuống hầm chui Thanh Xuân), Nguyễn Xiển (đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đến nút giao Đại lộ Chu Văn An), Trần Duy Hưng; đường dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở, Trường Chinh...
Sở GTVT Hà Nội nhận định, vào những ngày cuối năm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy mạnh thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm như Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm,... phải rào chắn một phần đường, hè phố. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đã và đang phối hợp với các đơn vị liên ngành thực hiện các giải pháp như cải tạo hạ tầng, lắp đặt bổ sung và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông ở một số điểm đen ùn tắc, đồng thời khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm trong đô thị, trả lại lòng đường phục vụ nhân dân đi lại (hoàn thành 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán).
Để chuẩn bị cho Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân, Sở GTVT TP Hà Nội đã có phương án bố trí 106 chốt, các vị trí thường xuyên có nguy cơ ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.
Tùy theo tình hình thực tế, Thanh tra Sở GTVT sẽ bố trí thêm 26 vị trí chốt, tập trung ở các bến xe, các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố; trên các cây cầu lớn để điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố mất an toàn giao thông, khắc phục các hậu quả mà có các nguy cơ xảy ra các va chạm, cũng như các tai nạn trên toàn địa bàn thành phố.
“Thanh tra giao thông sẽ huy động 230 cán bộ một ngày để tổ chức triển khai thực hiện và đã huy động các đơn vị, các quận, huyện không có sự ùn tắc giao thông để hỗ trợ cho các đơn vị tại 12 quận, cộng với huyện Thanh Trì là những địa bàn có nguy cơ về ùn tắc giao thông”, đại diện Sở GTVT TP Hà Nội thông tin.
Đại diện Phòng CSGT TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị địa bàn chủ động nắm bắt tình hình. Đặc biệt là những nơi có các công trình giao thông đang thi công, giao thông phức tạp để lên phương án, bố trí lực lượng phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng triển khai biện pháp giải quyết khi có ùn tắc giao thông xảy ra.
Hà Nội cần có kế hoạch dài hạn
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT nhận định, ngoài việc cải tạo hạ tầng, tổ chức lại giao thông, tăng cường lực lượng chốt trực,... để hạn chế ùn tắc, Hà Nội cần phải có các giải pháp khác như phát triển thêm giao thông tĩnh, thêm đường, thêm cầu vượt, đường sắt trên cao, di chuyển cơ quan trường học ra xa trung tâm, phát triển đô thị vệ tinh hiện đại, từ đó hiện đại hóa công tác quản lý giao thông đô thị.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần nghiên cứu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ, các ngã tư sao cho thông thoáng, đường dẫn lên - xuống cầu phải bố trí khoa học, phát triển giao thông công cộng hợp lý, thuận tiện để người dân tự giác lựa chọn phương tiện thay thế, ứng dụng tổ chức giao thông thông minh, nâng cao vai trò quy hoạch kiến trúc đô thị với tầm nhìn dài hạn...