• :
  • :

Tăng nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt từ lối đi tự mở

Sau hàng loạt các vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong thời gian vừa qua đã dấy lên cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông tại các tuyến đường sắt giao nhau với đường dân sinh, các lối đi tự mở. Do đó, cần có những biện pháp triệt để nhằm xóa lối đi tự mở.

Hiểm họa rình rập

Những năm qua, ngành Đường sắt đã và đang đầu tư cải tạo hạ tầng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách đi tàu. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt tại các lối đi tự mở. Trong đó, chủ yếu do người và phương tiện băng cắt qua đường ray không chú ý quan sát tín hiệu cảnh báo khi tàu hỏa đang đến gần.

Mới đây, khoảng 16h ngày 17/3, tàu khách LP5 chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng di chuyển đến Km 17+300 (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) xảy ra tai nạn giao thông, 1 người tử vong. Nguyên nhân do một nữ sinh bất ngờ đi vào đường ray tàu chạy.

Theo camera ghi lại vụ tai nạn, thời điểm này, cần chắn tự động đã đóng nhưng nữ sinh vẫn băng qua dẫn đến tai nạn thương tâm.

Đây không phải trường hợp đầu tiên gặp tai nạn giao thông đường sắt. Trước đó một ngày, vào tối 16/3, tại khu vực đối diện số nhà 1333 đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt khi tàu SE1 lưu thông đến Km 6+500 đã va phải người đàn ông khiến nạn nhân tử vong.

Theo người dân có mặt tại hiện trường, trước thời điểm xảy ra vụ việc, người đàn ông nghe điện thoại sát đường ray tàu. Khi tàu hỏa gần đến đã có tín hiệu còi cảnh báo, dùng biện pháp "hãm khẩn" để dừng tàu nhưng vì cự ly quá gần nên tàu đã va vào nạn nhân.

Tăng nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt từ lối đi tự mở

Đường ray nhiều nơi tại Hà Nội còn bị chiếm dụng làm nơi bán hàng rong

Trước đó, cũng xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến một người tử vong tại lối đi tự mở qua đường sắt ở ngõ 268 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực này cứ cách vài mét lại có một lối mở qua đường sắt và từ lâu đường ngang dân sinh qua ngõ 268 và ngõ 210 là hai trong số nhiều điểm đen về tai nạn giao thông đường sắt tại khu vực này. Tuy nhiên, dù liên tục có tai nạn chết người nhưng người dân vẫn vô tư phóng xe băng qua đường sắt, thậm chí nhiều bạn trẻ còn không đội mũ bảo hiểm.

Anh Trình Hữu Trung, người dân sống tại ngõ 268 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển cho biết: "Nhà tôi ngay đầu ngõ 268 đường Ngọc Hồi. Thường ngày khi tàu hỏa sắp đến, tôi và mọi người vẫn luôn ra đầu ngõ để cảnh giới. Cùng với đó, người dân nơi đây còn tự lắp đèn chiếu sáng, biển cảnh báo tàu hỏa, tuy nhiên dường như việc đối mặt với tàu hỏa thường xuyên cũng dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác của người dân và bất chấp băng qua đường tàu. Vì vậy tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi.

Người dân từ ngõ đi ra thường thiếu quan sát, vì đây là đoạn dốc, nếu cẩn thận khi đi tới đây phải đỗ lại để quan sát, trong khi đường sắt là đường ưu tiên nên người dân băng qua phải để ý, quan sát, cảm thấy an toàn mới đi tiếp. Thế nhưng nhiều khi người dân cứ đi ào ào, nhiều lúc tôi hô cũng không kịp", anh Trình Hữu Trung nói.

Trung tá Nguyễn Đình Hùng, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Thanh Trì cho biết, trên địa bàn huyện có 84 lối đi tự mở qua đường sắt. Thời gian qua đơn vị đã phối hợp với ngành đường sắt thu hẹp các lối đi tự mở, ngăn ngừa ôtô băng qua đường sắt, tuy nhiên các lối mở nhỏ lẻ vẫn còn khá nhiều:

"Công an huyện đã tiến hành điều tra cơ bản toàn bộ 84 lối mở, nhất là khu vực thị trấn Văn Điển, mặc dù chỉ trong khoảng 200m nhưng có rất nhiều lối mở và các lối mở này đi vào nhiều khu dân cư. Hiện tại các lối mở này đã được điều tra cơ bản và trích lục sổ đỏ các các nhà dân ở xung quanh các lối mở này; chúng tôi phối hợp với thị trấn Văn Điển tuyên truyền, vận động người dân không mở thêm lối đi mới và tiến hành rào lại, chúng tôi cũng sẽ tiến hành lắp camera tại các vị trí này. Ngoài ra, Ban chỉ đạo 197 đã tham mưu và xử lý rất quyết liệt các vi phạm về trật tự xây dựng dọc đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt”, Trung tá Nguyễn Đình Hùng nhấn mạnh.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo Cục Đường sắt, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn là do người băng qua đường sắt không chú ý tín hiệu cảnh báo. Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng trong quý I/2024, cả nước đã xảy ra 46 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 21 người và bị thương 25 người. Trong đó, 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 18 vụ tai nạn nghiêm trọng và 27 vụ tai nạn ít nghiêm trọng.

Tăng nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt từ lối đi tự mở

Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiềm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn giao thông

Mặc dù so với cùng kỳ năm 2023 số người tử vong, bị thương do tai nạn đường sắt giảm đáng kể nhưng nguyên nhân cố hữu dẫn tới tai nạn vẫn lặp lại.

Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiềm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn giao thông.

Nhiều năm nay Cục Đường sắt đã có chủ trương xoá bỏ các lối đi tự mở nhưng với chiều dài toàn tuyến quá lớn, riêng ngành đường sắt không thể thực hiện nổi. Đơn vị này đã lên danh sách các lối tự mở gửi địa phương phối hợp cùng quản lý.

Các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao cũng được đề xuất nâng cấp cải tạo hoặc đề nghị địa phương cảnh giới an toàn; thông báo lịch trình chạy tàu, tổ chức tập huấn, cung cấp dụng cụ phòng vệ, điện thoại liên lạc chạy tàu cho lực lượng tham gia cảnh giới của địa phương.

Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, để đảm bảo an toàn tại những nơi này bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cần nhất là ý thức tự giác của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Lượt xem: 7
Tác giả: Thanh Hà