Tổng thống Putin nói gì về việc Nga rút khỏi Khakiv, Ukraina?
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin được cập nhật đầy đủ và thường xuyên về việc Nga rút khỏi Kharkiv để tái tập hợp lực lượng ở Ukraina.
Trả lời câu hỏi về Tổng thống Vladimir Putin có biết và nói gì về việc quân đội Nga rút khỏi một số khu vực ở Ukraina, hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, nguyên thủ quốc gia được cập nhật về các hoạt động của quân đội một cách thường xuyên, 24/24 với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và tất cả các chỉ huy quân đội.
"Chắc chắn, mọi diễn biến và tất cả hành động của quân đội trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina đang được báo cáo cho tổng tư lệnh" - ông Dmitry Peskov phát biểu với báo giới hôm 12.9.
Người phát ngôn nói thêm, Tổng thống Putin có thể liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và các chỉ huy quân đội Nga “bất cứ lúc nào trong ngày”.
Khi được hỏi liệu giới lãnh đạo quân đội Nga có tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của Tổng thống Putin hay không, và việc rút quân có ý nghĩa gì với kết quả của chiến dịch quân sự, ông Peskov nhấn mạnh rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục và sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra từ ban đầu".
Các nhà báo Nga đã đặt câu hỏi với người phát ngôn Peskov về sự chỉ đạo cũng như thông báo của Tổng thống Putin sau khi các lực lượng Ukraina tiến hành một cuộc tấn công thành công vào tuần trước. Quân đội của Kiev đã đẩy lực lượng Nga ở miền bắc Ukraina ra khỏi một số khu định cư ở tỉnh Kharkiv. Bộ Quốc phòng Nga đưa ra rất ít thông tin về diễn tiến này, chỉ thừa nhận rút quân và cho biết đó là điều cần thiết để "tập hợp lại" quân đội.
Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner (bang Virginia) - Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện - xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, cuộc tấn công của Ukraina đã được chuẩn bị với sự trợ giúp của các cơ quan tình báo Mỹ và Anh.
“Kiểu hợp tác này cho thấy sức mạnh của thông tin quân sự tổng hợp của chúng tôi. Cộng đồng tình báo Mỹ và Anh đang hợp tác với Ukraina” - ông Warner nói, tuy nhiên không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về bản chất của những “sự hợp tác” này.
Warner cũng ca ngợi điều mà ông gọi là “sự hỗ trợ to lớn từ Mỹ và các đồng minh NATO” nhằm đảm bảo Kiev có được các thiết bị quân sự mà quân đội Ukraina cần.
Trước đó, hôm 10.9, tờ New York Times đưa tin rằng Kiev và Washington đã tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, trong đó Ukraina tiết lộ kế hoạch phản công cho Mỹ nhằm tìm kiếm thêm sự hỗ trợ. Tờ báo trích lời một quan chức Mỹ cho hay, Washington và Kiev liên tục thảo luận về các cách thức cản trở cuộc tấn công của Nga.
Nga trước đó đã nhiều lần cảnh báo Mỹ không cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho Ukraina, cho rằng những hành động như vậy có thể khiến Mỹ trở thành một bên trong cuộc xung đột.
Trong một diễn biến khác, ngày 12.9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev viết trên Telegram về việc Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky từ chối đàm phán với những ai đưa ra “tối hậu thư”.
Ông Medvedev cho biết, các “tối hậu thư” hiện tại của Nga chỉ là "khởi động" so với “những yêu cầu trong tương lai”. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh nói thêm rằng, yêu cầu cuối cùng của Mátxcơva có thể là sự đầu hàng hoàn toàn của Kiev.