• :
  • :

Xây dựng kết cấu hạ tầng thông minh: Bước đi tắt... đón chặng đường dài

Với việc hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng thông minh để tạo bứt phá đưa Thủ đô phát triển xứng tầm khu vực.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Sau khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã có tổng số 1.170 đồ án quy hoạch được lập, bao gồm cả các đồ án được lập để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các đồ án phải lập điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển đô thị.

Xây dựng kết cấu hạ tầng thông minh: Bước đi tắt... đón chặng đường dài
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tỷ lệ công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đủ theo chỉ tiêu quy hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Điển hình như việc tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân bình quân 11%/năm, trong khi tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực trung tâm Thành phố gần như không tăng đã dẫn đến diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,07% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 16-26%.

Về thoát nước mặt, hiện Hà Nội mới đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, với diện tích 77,5km2, có thể giải quyết tình trạng ngập úng với những trận mưa có lưu lượng 300mm/2 ngày. Các khu vực khác, như Tả - Hữu Nhuệ, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa nên ngập úng thường xảy ra.

Đối với rác thải, hiện Thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn/ngày đêm; trong khi năng lực quản lý, thu gom, xử lý mới đạt khoảng 90%. Công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh, sản xuất phân hữu cơ. Phương pháp đốt chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đến nay, Thành phố còn 5 trạm trung chuyển và 15/17 khu xử lý chất thải theo quy hoạch chưa được triển khai hoặc đã xây dựng nhưng chưa hoạt động, dừng hoạt động do lựa chọn công nghệ không phù hợp...

Ngoài ra, trong 10 năm qua, một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Ngoài ra, có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô. Cùng với đó, định hướng phát triển tại các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên, Long Biên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; định hướng phát triển các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận…

Đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội cần phải xem xét rà soát điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Giải pháp đô thị thông minh

Theo các chuyên gia, để có được một Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”, vấn đề có tính mấu chốt đó là cần phải quan tâm giải quyết tường tận các vấn đề về hạ tầng đô thị như: Giao thông, rác thải, nước thải, nghĩa trang... ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này. Để thực hiện được điều này, trước hết Thành phố cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về không gian đô thị và hệ thống thông tin về hạ tầng đô thị, thuộc lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị và các chuyên ngành như giao thông, năng lượng, cấp nước, thoát nước, chất thải, y tế, giáo dục… gọi chung là hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh.

Với lộ trình cụ thể, rõ ràng, cùng sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, tin tưởng rằng thời gian tới Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành công Thành phố thông minh, xứng tầm với vị thế và vai trò, Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế... Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh chính là bước đi tắt để đón đầu thành tựu khoa học công nghệ nhằm đón chặng đường dài trong hành trình phát triển của Thủ đô.

Hệ thống này sẽ làm cơ sở để phát triển các ứng dụng quản lý, hỗ trợ ra quyết định, giúp lãnh đạo các cấp giám sát điều hành, quản lý một cách tổng thể, cho phép chia sẻ dữ liệu cho phát triển đô thị thông minh, giúp doanh nghiệp tạo ra dịch vụ mới…

Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực, việc thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh không những giảm được chi phí đầu tư xây dựng mà còn tăng hiệu quả sử dụng, vận hành. Sự kết hợp liên thông hỗ trợ và điều phối giữa các hệ thống hạ tầng cũng sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn, kết hợp giữa hệ thống thoát nước với giao thông ngầm; kết hợp giữa thoát nước, xử lý nước thải với thoát nước mặt; tái chế các chất thải rắn, lỏng… làm phân bón hoặc tạo năng lượng.

Đồng tình quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy mô và định hướng các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật phải thống nhất với quy mô, định hướng của quy hoạch xây dựng chung toàn thành phố Hà Nội, tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch sau này. Việc quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới cần hòa hợp với những khu vực xung quanh, hạn chế tình trạng khu đô thị mới bị biến thành “ốc đảo”, thiếu sự liên kết về hạ tầng…

Với lộ trình cụ thể, rõ ràng, cùng sự vào cuộc tích cực đồng bộ, tin tưởng rằng thời gian tới Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành công Thành phố thông minh, xứng tầm với vị thế và vai trò, Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế...

Tuấn Dũng
Lượt xem: 6
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...