Cần Thơ giữ chân bệnh nhân, nhân viên y tế tại cơ sở công
Cần Thơ - Phòng khám Bác sĩ gia đình (BSGĐ) đưa vào hoạt động là cách thiết thực được kỳ vọng giữ chân bệnh nhân cũng như nhân viên y tế tại cơ sở công.
Tạo lòng tin trong bối cảnh khó khăn
Trong bối cảnh nhiều cơ sở y tế công tại một số tỉnh, thành đang gặp khó khăn do lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sụt giảm, Trung tâm y tế (TTYT) quận Cái Răng nói riêng và các địa phương khác của TP Cần Thơ nói chung có chuyển biến tích cực. Xu hướng bệnh nhân tăng góp phần tăng độ uy tín cho y tế cơ sở, tạo lòng tin cho bệnh nhân, cơ bản đảm bảo yêu cầu về tự chủ tài chính.
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Tỷ - Giám đốc TTYT quận Cái Răng cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, lượng bệnh nhân năm nay có tín hiệu đáng mừng khi tăng hơn 20%. Trước đây, bệnh nội trú từ 10 - 15 người/ngày nay đã 30 - 50 người/ngày. Bệnh ngoại trú từ 300 – 400 người/ngày nay lên khoảng 500 người, vào ngày đầu tuần số lượng bệnh nhân có thể vượt hơn.
"Nâng cao chất lượng y tế cơ sở đồng thời giảm áp lực cho tuyến trên, chúng tôi cố gắng tìm giải pháp để tăng chỉ số thu hút bệnh nhân, cũng là cách để tăng thu nhập cho nhân viên nhằm giữ chân họ ở lại phục vụ cho Nhà nước, đóng góp trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân" - ông Tỷ nói.
Theo đó, tại TTYT quận Cái Răng, điều trị bệnh nội trú được mở rộng, có thêm khoa ngoại, đông y thay vì trước đây chỉ có khoa nội, nhi, nhiễm. Đặc biệt, việc có 1 phòng khám BSGĐ tại trung tâm và 1 phòng tại phường Thường Thạnh giúp phát hiện bệnh liên tục, có hiệu quả, phối hợp và chuyển bệnh đến TT kịp thời để chăm sóc và điều trị sớm những bệnh nguy hiểm.
Đến khám bệnh và lấy thuốc tại TTYT quận Cái Răng trong chiều ngày 28.10, bà Trần Thị Các (SN 1963) cho hay, trước đây khi đến khám bệnh thấy ít người, nay được đầu tư, ai cũng phấn khởi. "Trước có khi phải mua thêm 70.000 - 100.000 đồng tiền thuốc, nay thuốc men có đủ, tôi rất mừng", bà Các kể.
Trong sáng ngày 28.10, bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1954) cũng đến Phòng khám BSGĐ để kiểm tra sức khỏe. Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế, tại đây, bà được siêu âm, khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí. "Thấy phòng khám mới gần nhà nên tôi ghé khám xem sao, mừng vì mọi thứ đều miễn phí chứ đi ở ngoài cũng tốn tới 200.000 đồng" - bà Hiền cười nói.
Giữ chân nhân viên y tế
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngân (Khoa khám bệnh liên chuyên khoa, TTYT quận Cái Răng) cho biết, so với 3 năm trước khi về đây làm, thu nhập của y bác sĩ hiện đã được cải thiện, khối lượng công việc nhiều nên ai cũng mừng.
"Nhiều đơn vị y tế tư nhân mở ra với đãi ngộ cao, đôi lúc tôi cũng chạnh lòng khi thu nhập chưa như kỳ vọng. Song, về cơ bản tôi muốn phục vụ bệnh nhân, nhất là đối tượng lao động có thu nhập thấp. Nhận thấy sự thay đổi dần của cơ sở công khiến tôi dần muốn gắn bó ở đây. Hiện, máy móc để khám chữa bệnh về cơ bản đã tạm ổn nhưng tôi cũng muốn được đầu tư các thiết bị chuyên sâu hơn để tầm soát, điều trị bệnh nhân như máy CT, MRI,…" - bác sĩ Ngân chia sẻ.
Bác sĩ Chuyên khoa I Trương Thanh Hội - Trưởng Trạm Y tế phường Thường Thạnh nhìn nhận, từ khi triển khai, trang bị các cơ sở vật chất cho phòng khám đầy đủ, người dân đến đây khám bệnh cũng có sự cải thiện.
"Ngày trước, chúng tôi chỉ khám trên dưới 20 bệnh nhân/tuần, nay đã đón và khám trên 40 lượt bệnh nhân. Công tác phối hợp với TTYT diễn ra suôn sẻ hơn. Hướng tới các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước có chủ trương tự chủ trong nguồn kinh phí để khám cũng như chữa bệnh, tôi nghĩ mô hình phòng khám BSGĐ sẽ góp phần phát huy được hiệu quả. Đây sẽ là một phương pháp để thu hút cũng như giữ chân nguồn lực nhân viên y tế của y tế công" - ông Hội nói thêm.
Cần Thơ hiện có 3 bệnh viện đa khoa (750 giường), 9 trung tâm y tế (240 giường) và 80 trạm y tế; tổng 1.950 nhân viên y tế tuyến huyện và xã, 563 nhân viên y tế ấp, khu vực. 100% trạm có bác sĩ; 82,9% có dược sĩ; 87,5% có cán bộ sản - phụ khoa. Ngoài phòng khám BSGĐ tại quận Cái Răng, Sở Y tế Cần Thơ cũng đã đưa vào hoạt động phòng khám ở huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt.