Ghép thận tuyến tỉnh, giảm chi phí, tăng hy vọng
Ngành y tế Quảng Ninh đang triển khai ghép thận ngay tại địa phương. Điều này không chỉ giúp bệnh nhân giảm gánh nặng tài chính mà còn mở ra nhiều hy vọng.
Điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng
Ghép thận là phương pháp điều trị tiên tiến giúp cứu sống nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, thiếu nguồn thận ghép, chi phí phẫu thuật và hậu phẫu cao đang là rào cản lớn với nhiều người bệnh.
Hiểu rõ điều đó, ngành y tế Quảng Ninh đang từng bước đưa ghép thận về tuyến tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh.
Tháng 4.2024, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí ghi dấu ấn quan trọng khi lần đầu tiên thực hiện lấy đa tạng từ người chết não hiến tặng cứu sống 7 người khác.
Sau sự kiện này, Sở Y tế Quảng Ninh đã lựa chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí triển khai thực hiện ghép tạng, ban đầu sẽ thực hiện ghép thận.
Cả hai bệnh viện này nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong việc đào tạo đội ngũ y bác sĩ, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu phẫu thuật ghép tạng.
Đoàn thẩm định Bộ Y tế kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị tại khu Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Đây sẽ là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện các ca ghép thận. Ảnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng đã cử một kíp bác sĩ sang Quảng Tây (Trung Quốc) tập huấn ghép tạng.
Ngày 15.3, trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, đoàn công tác Bộ Y tế đã đánh giá Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cơ bản đủ các điều kiện để lấy, ghép thận.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1984, một bệnh nhân đang chờ ghép thận tại Quảng Ninh, chia sẻ: “Qua khảo sát thực tế, chi phí ghép thận tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội dao động từ 1,3 – 1,8 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu có nguồn hiến tạng tại địa phương và thực hiện ghép tạng ngay tại tỉnh, chi phí có thể giảm 1 nửa.
Tôi sẵn sàng là một trong những bệnh nhân đầu tiên ghép tạng tại tỉnh Quảng Ninh. Đây thực sự là cơ hội sống cho chúng tôi".
Để thực hiện ghép tạng tại địa phương, nguồn hiến tạng đóng vai trò quyết định. Nhờ các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ, số lượng người đăng ký hiến tạng tại Quảng Ninh ngày càng tăng.
Tính đến ngày 1.3.2025, đã có 1.577 người dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng.
Chị Nguyễn Tuyết Nhung, một cán bộ Công ty nước sạch Quảng Ninh, chia sẻ: “Ngày 9.3.2025, tôi đã quyết định đăng ký hiến mô, tạng sau khi biết rằng một người hiến tạng sau khi chết có thể cứu được nhiều người khác. Tôi nghĩ rằng cho người khác một cơ hội khi mình không còn sống nữa thì cũng là cách để mình được sống tiếp”.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập đường dây nóng 190886658 và triển khai hệ thống đăng ký hiến tạng trực tuyến qua mã QR. Đồng thời, tổ tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng cũng được thành lập để tiếp cận, tuyên truyền và tư vấn cho gia đình có người bệnh chết não về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng.
Theo thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh, mục tiêu của ngành y tế Quảng Ninh là địa phương sẽ trở thành trung tâm hiến và ghép tạng đều đặn, giúp người bệnh có thể điều trị ngay tại tỉnh nhà.
Điều này không chỉ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương mà còn giúp người dân tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến với chi phí hợp lý.