• :
  • :

Từ điểm nóng, Tây Nguyên chặn đứng dịch bệnh bạch hầu nhờ bao phủ vaccine

Năm 2020, dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh tây Nguyên. Thế nhưng, sau 4 năm, dịch bệnh này đã được kiểm soát nhờ tỉ lệ bao phủ vaccine cao trong đại đa số người lớn và trẻ em.

Từ điểm nóng, Tây Nguyên chặn đứng dịch bệnh bạch hầu nhờ bao phủ vaccine

Lực lượng y tế tỉnh Đắk Lắk tiến hành tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu cho người dân. Ảnh: Bảo Trung

Trước đây, chỉ trong vòng 30 ngày của tháng 7.2020, vùng Tây Nguyên (ngoại trừ tỉnh Lâm Đồng) đã ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm bạch hầu. Trong đó có 3 người tử vong. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, vùng Tây Nguyên đối mặt với dịch bệnh truyền nhiễm trên diện rộng. Thời điểm đó, nhiều Trung tâm y tế tuyến huyện lẫn Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đều quá tải vì số lượng bệnh nhân vào điều trị dịch bệnh bạch hầu. Về phía Bộ Y tế phải đưa ra tình trạng “báo động đỏ”, đồng thời cử các đoàn công tác vào hỗ trợ cho vùng Tây Nguyên chống dịch.

Thế nhưng, 4 năm sau, tình hình đã thay đổi, dịch bệnh bạch hầu không còn là mối e ngại quá lớn đối với ngành y tế các tỉnh trong vùng.

Ông Hoàng Hải Phúc - Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Trong vòng hơn 3 năm qua, ngành y tế tỉnh không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu nào là do việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu (Td) cho người lớn, nhất là trẻ em được triển khai quyết liệt. Từ năm 2020 đến 2023, lực lượng y tế đã tiêm được 2 mũi cho tổng cộng hơn 1,4 triệu trường hợp, đạt tỉ lệ hơn 90,5%. Với tỉ lệ bao phủ vaccine cao trong toàn dân, rất khó để dịch bạch hầu bùng phát”.

Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, từ năm 2021 đến nay, ở 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, đơn vị chưa nhận được báo cáo trường hợp nào dương tính với dịch bệnh bạch hầu. Tỉ lệ bao phủ vaccine Td trong toàn dân là hơn 90%.

Dù vậy, quá trình tiêm chủng vaccine Td cho người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân khó tiếp cận với một số dịch vụ y tế vì đường sá xa xôi, không hưởng ứng công tác tiêm chủng. Thói quen sinh sống của người dân chưa đảm bảo vệ sinh, dễ xuất hiện mầm bệnh. Dự báo tình hình dịch bệnh bạch hầu trong những năm tới có thể bùng phát và diễn biến phức tạp.

Ông Hồ Ngọc Gia - Giám đốc CDC tỉnh Gia Lai - chia sẻ: “Thời điểm năm 2020, tỉnh không đủ vaccine để triển khai tiêm cho toàn dân. Tuy nhiên, trong 3 năm qua sau khi được tiêm chủng, khi địa bàn không còn có ca bệnh nữa thì người dân lại có tâm lý chủ quan, từ chối tiêm chủng. Tình trạng này xảy ra ở những đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện vệ sinh kém nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao”.

Với tỉ lệ bao phủ vaccine cao như hiện nay thì khả năng các ổ dịch bạch hầu quay trở lại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên như năm 2020 là rất thấp. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra số ít những ca nhiễm rải rác ở một vài khu vực vùng sâu vùng xa.