• :
  • :

Chuẩn bị “hành trang” cho trẻ khi đi học trở lại

Hiện nay, nhiều địa phương đã mở cửa trường học sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh sự háo hức trở lại trường với niềm vui được gặp lại thầy cô, bạn bè, mái trường thân yêu thì việc thay đổi môi trường học tập sau thời gian dài học trực tuyến sang trực tiếp có thể khiến các em học sinh sốc cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

t12-51

Thích nghi từ chính phụ huynh

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhằm gấp rút chuẩn bị đón tất cả học sinh trở lại trường.

Bắt đầu từ ngày 7/2, khoảng 18 triệu học sinh các khối trên cả nước đã đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học online. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài học trực tuyến, việc thay đổi hình thức học sang trực tiếp có thể khiến nhiều em học sinh sốc. Với những thay đổi về thời khóa biểu và thói quen sinh hoạt, môi trường học tập có thể khiến các em không thích ứng được cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc hạn chế đi lại, giao tiếp bạn bè trong thời gian dài sẽ nảy sinh ra những vấn đề tâm lý. Như trạng thái co mình lại, không muốn tiếp xúc với ai, sợ đám đông,… ngay cả với những bạn bè cùng lớp vốn đã biết nhau. Nhìn chung đây là biểu hiện của sức ỳ tâm lý ở học sinh.

Khi ở nhà, các hoạt động giao tiếp bên ngoài, hoạt động thể chất, tinh thần gần như dừng lại. Bên cạnh đó, tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều, học sinh sẽ mất dần đi cảm xúc, không học hỏi được kỹ năng, thái độ sống. Chưa kể các hệ lụy khác về sức khỏe tâm thần, thể chất như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt. Nhiều trẻ có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu canxi…

Chính vì vậy, để trẻ có thể sớm hòa nhập với môi trường học trực tiếp, cần có sự đồng hành và giúp đỡ của nhà trường cùng với gia đình, chuẩn bị “hành trang” cho học sinh trở lại trường trong tâm thế tốt nhất cả về học tập lẫn sinh hoạt.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc con em trở lại trường học rất cần sự ủng hộ, đồng hành của các bậc phụ huynh. Không chỉ các em học sinh thích nghi với môi trường học tập mới, mà sự thích nghi còn phải đến từ chính phụ huynh. Sự bình tĩnh, lạc quan đến từ phía gia đình sẽ giúp các em yên tâm hơn khi tới trường.

“Mình rất tán thành việc cho con trở lại trường học, cuộc sống giờ cũng đã “bình thường mới” không thể cứ để con ở mãi trong nhà, học tập và sinh hoạt với bốn bức tường mãi được. Nói không lo lắng thì không đúng nhưng mình luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào các ban, ngành và nhà trường. Mình cũng dành thời gian động viên con, giúp đỡ con từng bước trở lại trường học”, chị T.Nga (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Giống như chị T.Nga, các bậc phụ huynh nên dành thời gian thảo luận, trò truyện với con về vấn đề trở lại trường học. Bên cạnh việc động viên, phụ huynh cũng cần gợi mở cho con về những niềm vui khi con trở lại trường, để trẻ chờ đợi những ngày đi học trực tiếp sắp tới chứ không phải là sự ép buộc.

Dành thời gian quan sát cảm xúc, hành vi và quá trình nhận thức của trẻ xem trẻ có đang phải trải qua những khó khăn gì hay không để từ đó có các chiến lược hỗ trợ kịp thời. Bất kể nguồn gốc cơn lo lắng của trẻ là gì, cha mẹ vẫn cần đồng cảm và giúp con đưa ra hướng giải quyết một cách phù hợp nhất. Được “giải tỏa” nỗi lo, trẻ mới có tâm thế tốt nhất để quay trở lại trường.

Ngoài ra, để con không cảm thấy sốc khi trở lại trường, cha mẹ nên cùng con thay đổi và xây dựng lại thời gian biểu một cách sớm nhất. Cả gia đình nên cùng nhau thay đổi từ thói quen nhỏ nhất như đi ngủ sớm và dậy sớm, thói quen ăn uống sinh hoạt đúng giờ, thói quen học bài...

Việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen theo lộ trình như vậy sẽ vừa giúp trẻ không bị sốc, vừa giúp trẻ bắt nhịp với những thay đổi mới. Nếu thay đổi quá đột ngột sẽ hết sức khó khăn đối với những trẻ trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có diễn biến thiếu ổn định.

Ngoài ra, thời điểm này học sinh cần được tách dần khỏi thiết bị điện tử - là thứ quen thuộc nhưng lại dễ gây nghiện trong thời gian học tập trực tuyến vừa qua.

Để trẻ an toàn khi đến trường, quan trọng nhất vẫn là thực hiện 5K. Vì thế, để chuẩn bị cho trẻ, phụ huynh nên chỉ bảo và tập cho trẻ thói quen này ở nhà, ngay cả với những trẻ 2 tuổi. Nếu nghi ngờ trẻ có triệu chứng bệnh thì nên xét nghiệm nhanh cho trẻ. Khi trẻ bị dương tính cũng không nên cho đi học.

Quan trọng không kém là người lớn trong gia đình cũng cần tuân thủ 5K, tiêm vắc xin đầy đủ để giảm thiểu sự lây lan dịch cho trẻ, phụ huynh cũng cần tuân theo biện pháp phòng chống dịch của nhà trường. Phụ huynh cũng không nên có cảm giác lo sợ về dịch khiến tâm lý bất an mà hãy tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ thật tốt.

Trách nhiệm của nhà trường

Bên cạnh vai trò của gia đình thì trách nhiệm của nhà trường đối với các em học sinh thời điểm này cũng rất quan trọng. Để giúp các em thích nghi với việc học tập trực tiếp tại trường, thời gian đầu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm nên thông báo sớm lịch trở lại trường học để các em chuẩn bị tâm lý.

Có thể dành một vài buổi nói chuyện, chia sẻ trong phạm vi lớp học hoặc tăng cường phối hợp trao đổi với phụ huynh học sinh để tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải cả trong và ngoài nhà trường, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh và thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện.

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Đồng thời, trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Qua mỗi bài học, giáo viên có điều kiện hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập phù hợp với các đối tượng học sinh; bố trí thời gian hợp lý để hỗ trợ, bù đắp nội dung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập.

Vì thay đổi môi trường học tập mới nên tâm lý của nhiều học sinh vẫn chưa sẵn sàng. Vì vậy, trong thời gian này, các trường không nên tổ chức học dồn, học ép, sẽ khiến học sinh cảm thấy quá tải và ngại ngần đến trường.

Các thầy, cô nên xây dựng những tiết học nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo kiến thức, dần hình thành lại thói quen học tập trực tiếp cho các em. Đây không phải giai đoạn “nước rút”, “nhồi nhét” kiến thức để chạy đua theo chương trình và thi cử.

Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô cũng cần giúp các em chuẩn bị tinh thần và kỹ năng xử lý với mọi tình huống. Bởi trong thời điểm dịch bệnh nhạy cảm, các em có thể quay lại môi trường học tập trực tuyến bất cứ lúc nào. Việc chuẩn bị các tình huống đó sẽ giúp cả giáo viên và học sinh không bị động, bỡ ngỡ.

Cuối cùng là tăng cường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tổ chức, quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Có thể thấy rằng, việc trẻ sốc vào thời điểm trở lại trường học là một điều hết sức bình thường, đôi khi trẻ cần vài tuần hay cả tháng để thích nghi với môi trường mới. Chính vì vậy, vai trò của gia đình và nhà trường là rất quan trọng trong giai đoạn “nhạy cảm” này của trẻ.

Lượt xem: 123
Tác giả: Linh Chi
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...