• :
  • :

Sinh viên hi vọng học phí đứng yên để giảm nỗi lo kinh tế cho gia đình

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông báo về việc hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 81 về học phí công lập, theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Nhiều sinh viên cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng và hi vọng các trường đại học công lập cũng sớm triển khai.

Sinh viên hi vọng học phí đứng yên để giảm nỗi lo kinh tế cho gia đình

Giảm học phí, giảm áp lực tài chính cho gia đình

Mặc dù chưa có thông báo chính thức từ phía nhà trường về việc giảm/giữ nguyên học phí trong năm học mới nhưng Trần Mạnh Khánh (quê Nghệ An, sinh viên năm 3 trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) vẫn hi vọng học phí năm nay sẽ "đứng yên" để đỡ được một phần chi phí cho gia đình.

Theo thông báo mới nhất của trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cách đây hơn 1 tháng, mức học phí năm học 2023 - 2024 mà Khánh phải nộp là hơn 35 triệu đồng/năm. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với gia đình em khi hiện tại, nguồn kinh phí chính để trang trải cuộc sống gia đình, học phí và các khoản phí sinh hoạt cho Khánh khi đi học ở TPHCM đều đến từ tiền lương của mẹ em.

Được biết, vào năm nhất đại học, mức học phí mà Khánh phải nộp là 18 triệu đồng/năm. Sang đến năm hai, trường thông báo giữ nguyên mức học phí như năm nhất thay vì tăng lên hơn 31 triệu đồng/năm như kế hoạch trước đó của trường vì cả nước đang trải qua đại dịch COVID-19.

Ngoài hỗ trợ từ gia đình, Khánh còn tham gia thêm các hoạt động công tác Đoàn và làm thêm để giảm áp lực tài chính cho gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài hỗ trợ từ gia đình, Khánh (bên phải ảnh) còn tham gia thêm công tác Đoàn của trường và làm thêm để giảm áp lực tài chính cho gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Việc giữ nguyên mức học phí này đã giúp gia đình em tiết kiệm được hơn 13 triệu đồng/năm. Em hi vọng sắp tới, trường vẫn sẽ giữ nguyên mức học phí như 2 năm qua để gia đình em có thể vơi đi nỗi lo tài chính", Khánh nói.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh và các bạn sinh viên cũng bày tỏ niềm phấn khởi với thông báo mới của thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề học phí năm học 2023 - 2024 này.

Trước khi đăng kí xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Giao thông Vận Tải TPHCM, em Nguyễn Nhựt Tài (18 tuổi, quận Bình Thạnh) đã tham khảo qua mức học phí của trường và thấy đây là một mức không quá cao, phù hợp với sinh viên.

Áp lực cho các trường đại học

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, việc không tăng học phí có thể ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của các cán bộ, giảng viên và nhân viên của trường, kéo theo đó là nguy cơ không thể giữ chân các tiến sĩ trong vài năm tới.

Là đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn và học phí đã giữ nguyên ba năm liên tiếp nhưng theo ông Sơn, mọi thứ liên quan đến cơ sở vật chất đều đắt đỏ hơn giai đoạn 5 năm trước khoảng 20-30%. Lương cơ sở tăng cũng kéo theo lương, phụ cấp của giảng viên tăng thêm gần 20 tỉ đồng/năm.

Theo ông Sơn, nguồn thu chủ yếu của trường đều đến từ học phí, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và công nghệ chỉ khoảng 20% so với kinh phí hằng năm. Nên việc không tăng học phí sẽ gây nên áp lực rất lớn cho nhà trường, buộc phải cắt giảm các khoản khác như chi thưởng, du lịch cho giảng viên; giảm đầu tư cho hoạt động thí nghiệm, thực hành của sinh viên;...

Việc tiếp tục không tăng học phí khiến một số trường tự chủ tài chính hoàn toàn gặp khó khăn. Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh

Việc tiếp tục không tăng học phí khiến một số trường tự chủ tài chính hoàn toàn gặp khó khăn. Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh

Trước đó, vào ngày 2.8, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã có thông báo về việc không tăng học phí đối với năm học 2023 – 2024. Đây cũng là năm học thứ tư liên tiếp trường giữ nguyên mức học phí áp dụng cho sinh viên chính quy trình độ đại học.

Theo nhà trường, việc không tăng học phí năm học 2023-2024 nhà trường sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như thu nhập cho cán bộ, giảng viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập,...