• :
  • :

Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế

Thời gian gần đây nhiều vụ chế tạo pháo nổ trái phép đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế

Số pháo nổ tự chế và dụng cụ sản xuất pháo bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: CA Quảng Ninh

Hành vi chế tạo, sử dụng trái phép pháo nổ bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm bởi những rủi ro và hậu quả nghiêm trọng mà nó có thể gây ra. Theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi liên quan đến chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng pháo nổ đều bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cá nhân vẫn cố tình vi phạm vì lợi ích kinh tế hoặc để phục vụ nhu cầu giải trí, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Việc tự chế tạo pháo nổ trái phép chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên, vì ham vui, tò mò, thích thể hiện mình và chưa nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian qua, đã ghi nhận nhiều trường hợp thanh thiếu niên, học sinh tìm hiểu qua mạng xã hội, mua hóa chất về tự chế tạo thành pháo nổ.

Điển hình, ngày 19.12.2024, một học sinh 12 tuổi ngụ tại thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mua pháo nổ trên mạng về và tự chế tạo lại, trong quá trình chế tạo quả pháo bị nổ gây thương tích.

Ngày 8.1.2025, một nam thanh niên 36 tuổi ngụ tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã bị dập nát bàn tay và đa chấn thương phần mềm do pháo nổ gây ra. Mới đây, ngày 13.1.2025, một học sinh 15 tuổi tại Nam Định học mua thuốc pháo về tự chế pháo nổ và pháo đã phát nổ ngay trong quá trình chế pháo.

Công an TP Móng Cái, Quảng Ninh thu giữ pháo nổ tự chế. Ảnh: CA  Móng Cái

Công an TP Móng Cái, Quảng Ninh thu giữ pháo nổ tự chế. Ảnh: CA Móng Cái

Việc chế tạo pháo nổ thường liên quan đến việc sử dụng các hóa chất dễ cháy, nổ, đòi hỏi quy trình an toàn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đa phần các hành vi chế tạo trái phép đều diễn ra trong điều kiện thiếu chuyên môn và thiết bị đảm bảo an toàn. Điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn, bao gồm cháy nổ bất ngờ trong quá trình trộn hóa chất hoặc vận hành thiết bị tự chế, gây thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí mất mạng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc Công ty Luật Kết nối (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính cho hành vi này từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, kèm theo việc tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm.

Nếu hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại lớn về tài sản, thương tích hoặc tử vong, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 305 Bộ luật Hình sự. Các mức phạt hình sự bao gồm phạt tù từ 1 năm đến 20 năm hoặc thậm chí chung thân tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả cụ thể mà hành vi gây ra.

Khi một vụ việc xảy ra, không chỉ người vi phạm và gia đình họ phải chịu tổn thất, mà toàn bộ khu vực xung quanh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, từ nguy cơ về sức khỏe, ô nhiễm môi trường cho đến tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân. Điều này gây mất ổn định xã hội và làm giảm niềm tin của cộng đồng vào sự an toàn tại nơi sinh sống.

“Trước những nguy cơ và hậu quả trên, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục con em mình, tránh để trẻ nhỏ tiếp xúc với pháo nổ hoặc tham gia các hoạt động nguy hiểm liên quan là yếu tố quan trọng để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm”, luật sư Hùng khuyến cáo.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...