• :
  • :

Nhìn lại lịch sử và loạt di tích còn lại của Phố Hiến xưa

Phố Hiến từng là thương cảng sầm uất bậc nhất nước ta giai đoạn thế kỷ 16-17.

Mới đây, tỉnh Hưng Yên đề xuất thực hiện Đề án "Xây dựng và Phục dựng Phố Hiến cổ" với tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỉ đồng trên diện tích hơn 1.700ha, nhằm khôi phục không gian đô thị cổ này.

Trong quá khứ, Phố Hiến từng là thương cảng nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất nước ta.

Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (NXB Giáo dục Hà Nội), tên Phố Hiến có xuất xứ từ chữ Hiến của Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam xưa.

Tài liệu lịch sử ghi lại, nhiều khả năng tên gọi Phố Hiến lần đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ 15, trong cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông. Nhưng phải đến thế kỷ 17, Phố Hiến mới trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế có nhiều mối giao lưu quốc tế.

Khi ấy, Phố Hiến có lỵ sở của trấn thủ xứ Sơn Nam, ty Hiến sát xứ Sơn Nam, các trạm tuần ty kiểm soát thuyền bè trong ngoài nước, một đoạn sông tấp nập các thuyền bè đi lại và đỗ bến, những chợ phố đông đúc, các thợ thủ công và thương nhân người Việt, người Hoa, Nhật Bản và phương Tây.

Phố Hiến xưa nằm sát bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách Hà Nội 55km theo đường sông. Trước đây, từ Thăng Long xuôi thuyền xuống Phố Hiến mất khoảng 2 ngày, ngược dòng lên Kinh đô mất 3 ngày.

Phố Hiến có vị trí đặc biệt, là nơi trung chuyển, cửa ngõ án ngữ hoặc thông thương của mọi tuyến giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền tới Kinh thành Thăng Long, qua các tuyến sông Đáy, sông Hồng, sông Thái Bình.

Từ thời nhà Trần, các thương nhân người Hoa ở Xích Đằng đã có những mối liên hệ với các cảng Hội Triều (Thanh Hóa), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An). Từ thế kỷ 17, quan hệ thương mại ngày càng phát triển khiến Phố Hiến trở thành trung tâm giao thương sầm uất với cả trong nước và quốc tế.

Ngoài kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ là thủ đô phồn vinh bậc nhất, Phố Hiến đã là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai, khiến dân gian có câu: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Văn bia chùa Thiên Ứng, dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625, đời vua Lê Thần Tông) cũng ghi lại: "Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một tiểu Tràng An" - tức một Kinh đô thu nhỏ.

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngày nay, Phố Hiến ở thành phố Hưng Yên, vẫn còn bảo tồn 16 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Các di tích gồm: đền Mây ở Xích Đằng, đền Ngọc Thanh ở Nễ Châu, đền Trần (thờ Trần Hưng Đạo), đền Ủng (thờ Phạm Ngũ Lão), Văn Miếu Xích Đằng, Kim Chung Tự, Thiên Ứng Tự, Thiên Hậu cung, Đông Đô Quảng Hội... Các chùa lớn ở Phố Hiến có chùa Chuông, chùa Hiến (Thiên Ứng tự), chùa Nễ Châu.

Cổng vào chùa Chuông, một trong những di tích nổi tiếng của Phố Hiến xưa còn lại. Ảnh: Lương Đình Khoa

Cổng vào chùa Chuông - một trong những di tích nổi tiếng của Phố Hiến xưa còn lại. Ảnh: Lương Đình Khoa

Nét đẹp cổ kính bên trong chùa Chuông. Ảnh: Hải Ngọc

Nét đẹp cổ kính bên trong chùa Chuông. Ảnh: Hải Ngọc

 

Cổng tam quan Văn Miếu Xích Đằng. Ảnh: Kim Sơn

Cổng tam quan Văn Miếu Xích Đằng. Ảnh: Kim Sơn

Phố Hiến còn nhiều công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng như đền Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu... Nhiều lễ hội gắn liền với di tích được duy trì hàng năm, thu hút du khách thập phương.

Cổng vào di tích Đền Mẫu. Ảnh: Minh Hải

Cổng vào di tích Đền Mẫu. Ảnh: Minh Hải

Quần thể di tích Phố Hiến nằm trên địa phận của Phố Hiến xưa (diện tích khoảng chừng 5 km2 ở thành phố Hưng Yên) đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...