• :
  • :

Phim “Tro tàn rực rỡ”: Thắp sáng hy vọng điện ảnh Việt

Ra mắt vào đầu tháng 12 vừa qua, “Tro tàn rực rỡ” được giới chuyên môn đánh giá là một trong những phim Việt Nam ấn tượng nhất năm 2022. Bộ phim đã làm mưa, làm gió trên nhiều diễn đàn điện ảnh lớn, các liên hoan phim của thế giới, đồng thời cũng là phim Việt Nam đầu tiên chiến thắng giải Khinh khí cầu Vàng, hạng mục Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Ba châu lục diễn ra ở Nantes, Pháp vừa qua.

“Tro tàn rực rỡ” được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện. Đây là tác phẩm lấy hình ảnh người phụ nữ và cảm xúc của họ làm trung tâm, kể ba câu chuyện đan xen, song hành về tình yêu của ba người phụ nữ miền Tây là Nhàn (Phương Anh Đào), Hậu (Bảo Ngọc Doling) và cô Loan “khùng” (NSƯT Hạnh Thúy). Giữa cái xóm Thơm Rơm buồn hiu, quạnh quẽ, ba người phụ nữ ấy yêu hết mình. Tình yêu của họ rực rỡ, nóng bỏng như lửa cháy. Dẫu đến khi chỉ còn là “tro tàn”, thì vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất, là tàn dư của những điều thiêng liêng không gì có thể thay thế. Khát khao yêu và được yêu của họ lớn hơn tất thảy, hơn cả cái nghèo, hơn cả khoảng cách xa thật xa giữa trái tim ba cô gái và người đàn ông mà họ yêu.

Phim “Tro tàn rực rỡ”: Thắp sáng hy vọng điện ảnh Việt
Một cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ”

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, cái tên Nguyễn Ngọc Tư như một trong những đại diện tiêu biểu của các cây viết nữ về mảnh đất miền Tây Nam bộ. Văn học Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn gây ấn tượng với khán giả bởi những tiếc nuối man mác, bởi cái cách cô kể mọi thứ như nhẹ bẫng, nhưng thực chất dữ dội, đau đớn và dằn vặt. Hơn một thập kỷ sau “Cánh đồng bất tận”, tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục bước lên màn ảnh rộng. Hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của cô đã được chuyển thể thành phim điện ảnh “Tro tàn rực rỡ”, được nhào nặn bởi bàn tay đạo diễn gạo cội Bùi Thạc Chuyên.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, ông đã mất 2 năm cho việc viết kịch bản, và 5 năm để chuẩn bị quay phim.Sau khi biết đến tập truyện “Đảo” của nữ văn sĩ, ông vô cùng ấn tượng về câu chuyện tình yêu, về cái “tứ” rất đẹp được xây dựng trong truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ”. Đó là câu chuyện rất đặc biệt về mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn bà níu giữ sự quan tâm của người đàn ông bằng những câu chuyện vặt vãnh về cuộc sống hàng ngày, và về người phụ nữ mà anh ta yêu.

Ngay sau khi liên lạc với tác giả Nguyễn Ngọc Tư về vấn đề tác quyền, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã bắt tay vào viết kịch bản. Thế nhưng, ông cảm giác câu chuyện của mình vẫn còn cần điều gì đó để trở nên vững chắc hơn. Và ông tìm lại về tập truyện “Đảo”, để rồi bắt gặp câu chuyện của cô Loan “khùng” trong “Củi mục trôi về”. Đó cũng là một câu chuyện tình yêu, nhưng đau đớn đến tuyệt vọng khi người đàn bà đem lòng yêu kẻ đã phá nát tất cả tương lai, cuộc đời của cô.

Trong quãng thời gian chuẩn bị cho “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã nhiều lần về miền Tây Nam bộ, sinh hoạt cùng người dân nơi đây. Khoảng một tháng trước khi khởi quay bộ phim, dàn diễn viên cũng sắp xếp công việc để xuống set quay, “sống” cuộc đời của các nhân vật trong phim. Bởi vậy, miền Tây qua lăng kính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong “Tro tàn rực rỡ” vô cùng gần gũi, sống động. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, khi làm phim này, ông chỉ cần thêm thắt một số chi tiết để câu chuyện trở nên hoàn chỉnh hơn. Thế nhưng, những sự “thêm thắt” ấy là để biến “Tro tàn rực rỡ” trở thành một câu chuyện điện ảnh thực sự, chứ không phải một dạng mô phỏng văn học.

Lựa chọn khai thác về người phụ nữ và khát khao yêu thương của họ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên gửi gắm “tình yêu” mà ông dành cho một nửa thế giới, cho những tâm hồn nhạy cảm, tự do và rất đỗi cao cả. Vị đạo diễn không “thương hại” người phụ nữ trong phim, hay muốn đẩy các cô vào cái tủi hờn, cái đau đớn tột cùng. Ông kể về ba cô gái và tình yêu của họ theo cách có chút “xa cách”. Ông ngăn góc máy can thiệp quá sâu, không muốn các diễn viên chuyển động cơ mặt, hay nói, hay gào khóc quá nhiều. Ba tình yêu trong bộ phim hiện lên rất đỗi nhẹ nhàng, như thể đó là “chuyện thường tình”, rằng người phụ nữ dù là trước đây hay bây giờ, họ vẫn luôn yêu sâu đậm như thế.

Bản thân nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng chia sẻ, khi trực tiếp đến thăm trường quay “Tro tàn rực rỡ”, gặp gỡ các diễn viên của đoàn phim, cô “tự dưng xúc động”, nhận ra đây là “cái xương thịt mà mình có muốn cũng không diễn tả ra được sự sống động này”. Dưới bàn tay đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” hiện lên gần gũi, tinh tế và khiến khán giả thêm tin vào sức mạnh của môn nghệ thuật thứ bảy.

Không quá lời khi nói bộ phim là một trong những tác phẩm được kỳ vọng nhất năm nay của màn ảnh Việt. Ngay từ khi chỉ còn là những “dự án” trên giấy, phim đã ghi dấu ấn tại Quốc tế khi giành giải thưởng Busan Award tại Asian Project Market trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan năm 2017, cũng như thuộc nhóm 15 dự án được chọn tham gia Cinéfondation L’atelier, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2018. Vào tháng 10 vừa qua, phim trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên được chọn tranh giải hạng mục Official Competition tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo và có buổi World Premiere tại đây. Mới đây, “Tro tàn rực rỡ” cũng vinh dự nhận giải Khinh khí cầu Vàng cho Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục.

Sau một năm 2022 không quá thành công của phim Việt, “Tro tàn rực rỡ” xuất hiện như một nguồn sáng, thắp lên hy vọng tưởng chừng đã nguội lạnh trong lòng người yêu điện ảnh nước nhà. Phim không mang một tầm vóc quá hoành tráng, hay những thông điệp đao to búa lớn đến sáo rỗng và kệch cỡm, nhưng chinh phục khán giả bởi những xúc cảm nguyên sơ, tinh tế được truyền tải thông qua các khung hình được chăm chút chỉn chu dưới bàn tay người đạo diễn cầu toàn./.

Phương Bùi
Lượt xem: 41
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...