Để xe buýt Hà Nội không chậm chân chuyển đổi xanh
Việc chuyển đổi phương tiện xe buýt truyền thống sang phương tiện xe buýt điện, xe buýt năng lượng xanh là một chính sách lớn, cần phải có sự vào cuộc của các ngành và đặc biệt là phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp vận tải.
Đã đưa vào vận hành 10 tuyến xe buýt điện
Tính đến hết tháng 2.2024, Hà Nội có 20/157 tuyến buýt (10 tuyến sử dụng xe buýt điện và 10 tuyến sử dụng xe buýt CNG) với 281 (139 xe buýt CNG và 142 xe buýt điện) trên tổng 2.236 xe đáp ứng được theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều này có nghĩa, Hà Nội hiện đạt 12,6% tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh. Như vậy, còn 6 năm nữa để Hà Nội phấn đấu đạt được con số 50% ở tỉ lệ này và 11 năm nữa để thành phố phấn đấu 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trao đổi với Lao Động, ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội - cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ đến năm 2025, 100% xe buýt tại Hà Nội thay thế, đầu tư mới sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 tuyến xe buýt điện (bắt đầu từ tháng 12.2021). Việc đưa các tuyến xe buýt điện vào hoạt động tại Thủ đô Hà Nội với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống vé điện tử văn minh hiện đại đánh dấu một bước phát triển mới về chất lượng dịch vụ của mạng lưới xe buýt Thủ đô, góp phần tăng thêm năng lực và độ bảo phủ của mạng lưới, tăng mức độ hấp dẫn đối với hành khách đi xe buýt, được hành khách ghi nhận, ủng hộ.
"Sản lượng hành khách đi lại trên các tuyến xe buýt điện liên tục có sự tăng trưởng (năm 2023 tăng 88% so với năm 2022), trong đó một số tuyến xe buýt điện có sản lượng hành khách nằm trong Top đầu của toàn mạng (tuyến E03, E01 lần lượt xếp thứ nhất thứ hai toàn mạng về sản lượt khách bình quân/lượt; xếp thứ 6, 7 về tổng hành khách vận chuyển.
Để chuyển đổi hơn 2.000 xe buýt truyền thống (xe buýt Diezel) sang xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, hiện nay, Thành ủy đang chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải xây dựng Đề án chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh, để báo cáo HĐND thông qua trước khi thực hiện" - ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ, việc chuyển đổi phương tiện xe buýt truyền thống sang phương tiện xe buýt điện, xe buýt năng lượng xanh là một chính sách lớn, cần phải có sự vào cuộc của các ngành và đặc biệt là phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp vận tải.
Chuyển đổi xe buýt "xanh" cần khơi thông chính sách
Nhiều chuyên gia giao thông và các doanh nghiệp kinh doanh giao thông vận tải nhận định cần một chính sách phù hợp với tất cả cùng tham gia thực hiện mục tiêu xanh hoá cả mạng lưới giao thông công cộng.
Trên quan điểm của doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Nhật - Tổng Giám đốc Vinbus - cho biết: "Để đạt được mục tiêu xanh hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, rất cần Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để tạo cú hích.
Ông Nhật ví dụ: "Chúng ta cũng có thể hỗ trợ bằng nhiều cách khác, trực tiếp hay gián tiếp qua chính sách hỗ trợ vay lãi suất thấp để doanh nghiệp có thể huy động được vốn đầu tư cho xe buýt điện có giá thành cao hơn xe diesel.
Hoặc có thể tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ tài chính xanh trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh, đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho những chủ thể tạo ra giá trị cho mục tiêu giảm phát thải. Chỉ khi Nhà nước tạo ra cơ chế bền vững và doanh nghiệp nhận thấy họ có khả năng tham gia thì mới có thể phát triển được; còn ngược lại nếu chúng ta đặt ra những kỳ vọng, yêu cầu lớn mà không có cơ chế hỗ trợ phù hợp thì không khác nào chúng ta gián tiếp loại họ khỏi cuộc chơi".
Nói về việc trợ giá, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho biết: Hiện nay các tuyến xe buýt không chỉ của riêng Hà Nội mà của tất cả các tỉnh, thành khác đều được Nhà nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các căn cứ trợ giá cho doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội hiện nay đang được tính theo các hạng mục gồm: Chi phí khấu hao, nhiên liệu, dầu nhờn, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, săm, lốp, ắc quy, phí đường bộ, bảo hiểm tự nguyện dân sự, phí cầu phà bến bãi, chi phí chung, chi phí quản lý, lãi vay, bảo hiểm hành khách, ăn trưa.
Ông Thịnh cho biết: "Chúng ta tính toán muốn chuyển đổi sang xe buýt điện cần phải thêm bao nhiêu kinh phí. Cần có hỗ trợ về giá cho các DN mua vào xe điện, xe sử dụng nhiên liệu CNG để vận tải hành khách công cộng".
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội, thời gian qua Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi tổng thể, trong đó, có đề xuất một số chính sách để hỗ trợ cho công tác chuyển đổi (Ban hành hạn mức, quy trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất để đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (trạm sạc điện, trạm nạp năng lượng, đềpô, bãi đỗ xe,..); Chính sách về xử lý phương tiện xe buýt diezel đang hoạt động (hết khấu hao còn hạn thầu; còn hạn thầu nhưng hết khấu hao),…