HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua nhiều quyết sách quan trọng
Trải qua 2,5 ngày diễn ra kỳ họp lần thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khoá X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), các đại biểu đã biểu quyết thông qua nhiều quyết sách của thành phố trong thời gian tới.
Thông qua chủ trương sắp xếp phường
Theo đó, bằng hình thức biểu quyết, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày thông qua (ngày 17/7/2024).
Trước đó, cũng trong kỳ họp, UBND TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình về ban hành nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của thành phố.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã là 80 phường, gồm 77 phường thuộc diện sắp xếp và 3 phường liền kề. Sau sắp xếp, TP Hồ Chí Minh sẽ giảm 39 phường.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc sắp xếp sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Sau sắp xếp, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường; giảm đáng kể chi phí cho việc chi trả lương, phụ cấp và chi phí xây dựng, sửa chữa trụ sở các cơ quan, đơn vị ở nơi có sắp xếp.
Kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khoá X, lần thứ 17 |
Sau khi thông qua, HĐND TP Hồ Chí Minh giao UBND TP Hồ Chí Minh hoàn thiện hồ sơ, đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của thành phố theo quy định.
Trường hợp sau khi đề án được cơ quan có thẩm quyền thông qua có sự thay đổi về nội dung so với chủ trương được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua thì đề nghị có báo cáo HĐND thành phố xem xét.
Hỗ trợ lương cho người trẻ làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Một trong số nhiều nội dung được các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua là tờ trình quy định mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên và hỗ trợ lương đưa lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giai đoạn 2024 - 2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết nghị, mức chi hỗ trợ lương đưa lao động trẻ (18 - 30 tuổi) về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và độ tuổi lao động trẻ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Các đại biểu dơ tay biểu quyết |
Mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên các khóa đào tạo nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/1 khóa đào tạo. Trường hợp khóa đào tạo có thời gian dưới 1 tháng thì thực hiện hỗ trợ theo số ngày thực tế tham gia khóa đào tạo (26 ngày/1 tháng).
Nghị quyết này được áp dụng từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025. Nguồn kinh phí thực hiện chi theo mức chi hỗ trợ các chính sách theo quy định được bố trí từ ngân sách thành phố (nguồn chi thường xuyên).
HĐND TP Hồ Chí Minh giao UBND thành phố chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của thành phố và thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiện toàn nhân sự mới
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh, các đại biểu đã biểu quyết bầu Ủy viên UBND TP Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với đồng chí Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính và đồng chí Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh.
Đồng thời, bầu miễn nhiệm đại biểu HĐND đối với ông Lê Duy Minh, cựu Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh và ông Đặng Minh Đạt, nguyên Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh.
Kỳ họp cũng bầu đồng chí Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh làm Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Ủy viên chuyên trách Ban Đô thị làm Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết thành lập Đoàn Giám sát chuyên đề việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 98; phân công đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn Giám sát chuyên đề việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 98 |
Hai Phó Trưởng đoàn gồm: Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh Lê Trương Hải Hiếu.
Đoàn giám sát có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát tại các phiên họp của Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh và báo cáo để HĐND TP Hồ Chí Minh tiến hành giám sát tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2025.
Miễn học phí cho học sinh THCS và mầm non
Dự thảo nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn đã được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua.
Đáng chú ý, theo nghị quyết này, trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025; học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026.
Ngoài ra, nghị quyết cũng quy định về mức học phí mới cho các bậc học, học phí mới này giảm khoảng 100.000 - 240.000 đồng/học sinh/tháng tùy cấp học; được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận; nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện còn lại.
Riêng với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí từ năm học 2024 - 2025 từng cấp học như sau: Nhà trẻ 200.000 đồng/tháng (nhóm 1), 120.000 đồng/tháng (nhóm 2); mẫu giáo 160.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2); tiểu học 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); THCS 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); THPT 120.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2).
Mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại nghị quyết này là căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đảm bảo trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Đối với hình thức học trực tuyến, mức thu học phí bằng 50% so với mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2024 - 2025.
Nhiều dự án được thông qua
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng thống nhất thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 10 dự án đầu tư công nhóm B, gồm: Dự án phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố; Dự án xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa - đoạn 1.1, Phường 25, quận Bình Thạnh; Dự án nâng cấp, cải tạo trường Trung học cơ sở Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7; Dự án cải tạo, xây dựng mới trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh; Dự án cải tạo, xây dựng mới trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh; Dự án xây dựng mới trường Tiểu học Phường 14 tại cụm kho hẻm số 7 Thành Thái, Quận 10; Dự án mở rộng đường D3, Phường 10, quận Gò Vấp (đoạn từ Phan Văn Trị đến đường Quang Trung); Dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Mạc Vân, Quận 8; Dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 8 (đoạn từ cầu kênh N31A đến ngã tư Tân Quy), huyện Củ Chi.
HĐND thống nhất thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, điều chỉnh tăng số vốn hơn 8.407,4 tỷ đồng; đồng thời, điều chỉnh giảm số vốn theo đề xuất của các đơn vị, trong đó giảm vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, với hơn 222,9 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố tập trung, với hơn 8.176,9 tỷ đồng...
Nhiều dự án phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn mới được thống nhất thông qua (Ảnh minh họa) |
HĐND đặt mục tiêu phấn đấu thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 2.069.551 tỷ đồng; tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 70% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Tiếp đó, các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh thống nhất chấp thuận thông qua danh mục 13 dự án cần thu hồi đất đăng ký mới năm 2024 để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn, với diện tích thu hồi đất dự kiến là 3,14ha.
Ngoài ra, các đại biểu thống nhất thành lập Đoàn Giám sát công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.