• :
  • :

Phát triển hệ thống giao thông kết nối, đồng bộ

Với vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm, năng động phía Nam, hướng đi của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, tạo sự lan tỏa và kết nối cho toàn vùng.

Diện mạo hạ tầng hiện đại

Sau 47 năm thống nhất đất nước, đô thị TP.HCM đã được đầu tư mới, nâng cấp mở rộng và đưa vào khai thác nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, qua đó đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa ngày càng gia tăng khu vực Thành phố, kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế.

Phát triển hệ thống giao thông kết nối, đồng bộ
Cầu Thủ Thiêm 2 – biểu tượng cho sự hiện đại của TP.HCM

Đơn cử về lĩnh vực hàng không là việc nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đường thủy là dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp, xây dựng cầu Sài Gòn 1, 2, cầu Bình Triệu 1, 2, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Thanh Đa, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, di dời cụm cảng trên sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm ra cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái, đưa vào khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu…

Trong lĩnh vực đường bộ, các công trình ghi rõ dấu ấn của một đô thị hiện đại bậc nhất khu vực phía Nam phải kể đến như tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, đường Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn TP.HCM, đường Xuyên Á, Quốc lộ 13…

Vừa qua mặc dù Thành phố và cả nước trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều thiệt hại nặng nề nhưng đầu tư phát triển đô thị không vì thế mà “chùng xuống”. Nhiều tin vui mới khi Thành phố khánh thành cầu Thủ Thiêm 2, bắc thêm “nhịp cầu vui” đôi bờ Khu đô thị mới thủ Thiêm với Trung tâm quận 1. Thành phố cũng đã khánh thành và thông xe đường song hành đường Võ Văn Kiệt, hoàn thành dự án nâng cấp, sửa chữa đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9), huyện Hóc Môn, gia tăng năng lực giao thông từ khu vực trung tâm Thành phố về vùng ven huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng như tăng cường kết nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương và Long An.

Đáng chú ý, vừa qua tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (trên địa bàn Tiền Giang) đã chính thức hoàn thành, đưa vào khai thác, nối tiếp dự án cao tốc Tp. HCM - Trung Lương (địa bàn TP.HCM - Long An), tạo thêm huyết mạch cho giao thông từ TP.HCM tiến sâu hơn, thuận lợi hơn vào các tỉnh miền Tây (Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ…).

Tương tự, tỉnh Bình Dương vừa khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 13, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Đây là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Đông TP.HCM kết nối trực tiếp với tỉnh Bình Dương, Bình Phước để đến với các tỉnh Tây Nguyên. Còn tại Đồng Nai, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đang được đầu tư, xây dựng rầm rộ, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được xúc tiến khẩn trương.

Dự án quốc gia khác cũng đang dần rõ “hình hài” là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tính đến nay tiến độ toàn dự án đạt 90,31%, thành phố đón 2 đoàn tàu cuối cùng (đoàn 16, 17) của tuyến, tái lập và hoàn trả mặt bằng một phần đường Lê Lợi của gói thầu CP1a (thi công đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố). Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã giải phóng mặt bằng được 83,62%, đang thực hiện điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, cơ cấu tổng mức đầu tư, cơ chế tài chính, di dời hạ tầng kỹ thuật,..

Đánh giá về những nét nổi bật về đầu tư hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết: Trong năm 2021, ngành Giao thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50; thông qua Nghị quyết đồng thuận đề xuất thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng đã tham mưu, đề xuất UBND Thành phố cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông.

Đầu tư cao tốc, khép kín vành đai

Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Điều này càng đặc biệt hơn đối với TP.HCM, trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước, nơi diễn ra nhộn nhịp các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước. Thời gian qua, bên cạnh việc đã đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, giao thông TP.HCM nói riêng và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung vẫn chưa được đầu tư tương xứng, nhất là vẫn thiếu các tuyến cao tốc, đường vành đai. Điều dẫn tới sự liên kết giữa hệ thống giao thông đô thị TP.HCM với hệ thống giao thông các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Hiện nay nhiều dự án giao thông kết nối liên vùng khác cũng đang trong quá trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến tàu cao tốc TP.HCM đi Côn Đảo (Vũng Tàu), đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM, đầu tư cảng container trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. TP.HCM và một tỉnh phía Nam cũng kiến nghị Trung ương xem xét cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, sớm thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái, cầu thay phà Bình Khánh. Bổ sung quy hoạch hệ thống đường sắt chuyên dùng kết nối giữa các cảng hàng hóa và cảng container khu vực TP. Thủ Đức và khu vực dọc sông Sài Gòn…

Theo quy hoạch, Vùng TP.HCM (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang) có 5 tuyến cao tốc, trong đó chỉ mới đầu tư, hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang đầu tư, trong khi 2 tuyến còn lại gồm TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài đang giai đoạn nghiên cứu.

Tương tự, theo quy hoạch TP.HCM có 3 tuyến vành đai (Vành đai 2, 3, 4) với tổng chiều dài 356km tuy nhiên đến nay chỉ mới đưa vào khai thác được 71km, trong đó có 55 km đường Vành đai 2 và 16km đường Vành đai 3. Riêng Vành đai 4 đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án, chưa đầu tư xây dựng, thậm chí tuyến Vành đai 2 cũng chưa hoàn thành khép kín. Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường vành đai như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Hệ thống đường vành đai TP.HCM sẽ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của TP.HCM, kết nối Thành phố với các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Nình, Bình Phước, qua đó rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, mua bán trong khu vực.

Hiện nay Trung ương, các Bộ ngành và các địa phương nơi dự án đường Vành đai 3 đi qua đang khẩn trương hoàn thành thủ tục, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án. Với tổng chiều dài 76,34km, đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương, là đường vành đai cao tốc liên vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Trung Lương, sẽ mở ra hướng mới về phát triển đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP.HCM), Đức Hòa (Long An).

Tại dự án đường Vành đai 3, Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chủ trì các cuộc họp để tìm giải pháp thực hiện hiệu quả, khả thi nhất. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường Vành đai 3 rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, đô thị cho vùng Đông Nam Bộ, tạo ra không gian phát triển mới cho TP.HCM và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân trong vùng. Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền. /.

Xuân Tình – Thành Đồng
Lượt xem: 165
Tác giả: Mai Phương Thảo
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...