Dị ứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tai mũi họng
Dị ứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tai mũi họng, nhưng có thể kiểm soát được tác động của chúng bằng cách chăm sóc và phòng ngừa đúng cách.
Tiến sĩ Mohammed Naseeruddin, MBBS, MS ENT, Phẫu thuật đầu và cổ, Bệnh viện Apollo Spectra, Hyderabad (Ấn Độ) - cho biết: “Dị ứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tai mũi họng, gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu và có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài nếu không được điều trị đúng cách”.
Tác động đến sức khỏe tai mũi họng
Tai: Tiến sĩ Naseeruddin cho biết: “Dị ứng có thể dẫn đến tình trạng viêm và tích tụ dịch ở tai giữa, có thể gây ra các rối loạn như viêm tai giữa có dịch (OME). Mất thính lực tạm thời, áp lực và đau tai có thể xảy ra sau đó. Những vấn đề này có thể tái phát ở những bệnh nhân mạn tính và họ thậm chí có thể cần phẫu thuật để đặt ống tai để dẫn lưu”.
Mũi: Dị ứng là nguyên nhân phổ biến của viêm mũi dị ứng, khiến niêm mạc mũi bị viêm và kích thích. Điều này dẫn đến các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi và ho. Viêm mũi dị ứng có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Họng: Khi bạn bị dị ứng, chất gây dị ứng (ví dụ như phấn hoa, lông động vật) có thể làm tăng sản xuất chất nhầy trong cơ thể, gây kích ứng họng. Điều này có thể dẫn đến viêm họng, cảm giác ngứa, khô và đau rát ở cổ họng, đặc biệt khi bạn thở qua miệng do nghẹt mũi.
Cách phòng ngừa dị ứng
Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa được chuyên gia khuyên dùng mà bạn nên thực hiện để tránh xa dị ứng:
Xác định tác nhân gây dị ứng: Để xác định tác nhân gây dị ứng, cần tìm hiểu kỹ về các triệu chứng của mình và tiến hành một số xét nghiệm hoặc kiểm tra để xác định rõ nguyên nhân.
Giảm thiểu phơi nhiễm: Sau khi tìm thấy tác nhân gây dị ứng, có thể giảm phơi nhiễm bằng cách thực hiện hành động thích hợp. Đối với những người bị dị ứng phấn hoa, điều này có thể bao gồm sử dụng máy lọc không khí và đóng cửa sổ trong thời gian có nhiều phấn hoa. Sử dụng khăn trải giường chống dị ứng và giặt khăn trải giường thường xuyên bằng nước nóng có thể giúp giảm mạt bụi.
Quản lý thuốc: Nếu bạn có nguy cơ cao mắc dị ứng, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamine hoặc thuốc xịt mũi để ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc chống viêm hoặc thuốc nhỏ mắt nếu có triệu chứng dị ứng ở mắt. Ngoài ra, tiêm vaccine dị ứng có thể giúp cơ thể bạn giảm phản ứng với các tác nhân gây dị ứng theo thời gian.
Kiểm soát môi trường: Duy trì một ngôi nhà sạch sẽ, không có chất gây dị ứng là rất quan trọng. Giữ độ ẩm ở mức thấp, sử dụng bộ lọc HEPA và vệ sinh thường xuyên đều có thể giúp giảm lượng chất gây dị ứng hiện diện.
Cách chăm sóc và quản lý
Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp cơ thể duy trì độ ẩm và giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi và khô họng khi bị dị ứng.
Rửa mũi bằng nước muối: Rửa mũi bằng dung dịch muối là một phương pháp hiệu quả để làm sạch các tác nhân gây dị ứng và giảm nghẹt mũi, giúp cải thiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc cảm lạnh thông thường.
Kiểm tra tai mũi họng thường xuyên: Thường xuyên gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa hậu quả cho những người mắc các vấn đề tai mũi họng lâu dài do dị ứng. Các bác sĩ có thể thực hiện chăm sóc tập trung và theo dõi tình trạng của bệnh nhân để điều chỉnh kế hoạch điều trị khi cần thiết.