• :
  • :

Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát

Hiện tại, số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, trong khi đó nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại với biến thể mới được nhận định luôn thường trực. Đặc biệt theo các chuyên gia y tế, hiện đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết. Bởi vậy, nếu không triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch sốt xuất huyết chủ động, nguy cơ “dịch chồng dịch” có thể xảy ra.

Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết

Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đang có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tuần qua (từ ngày 6/8 đến 12/8), số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng, nhiều nơi có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng.

Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát
Nhân viên y tế phát tờ rơi tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho người dân.

Cụ thể, trong tuần ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 14,1% so với tuần trước. Bệnh nhân ghi nhận tại 27 quận, huyện; 100 xã, phường, thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện: Thanh Trì (19 ca), Phú Xuyên (16 ca), Ba Đình (12 ca), Đống Đa (11 ca), Hà Đông (11 ca), Thường Tín (11 ca), Bắc Từ Liêm (10 ca). Còn lại các quận, huyện khác đều ghi nhận số mắc dưới 10 trường hợp.

Cũng trong tuần, trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 12 ổ dịch mới tại 9 quận, huyện: Ba Đình (2 ổ dịch), Thạch Thất (2 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (2 ổ dịch), Hà Đông (1 ổ dịch), Hoài Đức (1 ổ dịch), Long Biên (1 ổ dịch), Tây Hồ (1 ổ dịch), Thanh Oai (1 ổ dịch), Thường Tín (1 ổ dịch). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố đã ghi nhận 778 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 2 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021, nhưng chưa có trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 269/579 xã, phường, thị trấn.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần tới, hoạt động chống dịch sốt xuất huyết tiếp tục tập trung vào việc tăng cường giám sát, phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện sớm, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Đặc biệt, triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, trong đó cần huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể.

Cùng với sốt xuất huyết, số ca mắc tay chân miệng trong tuần trên địa bàn Hà Nội cũng tăng lên 45 trường hợp, tăng 13 trường hợp so với tuần trước. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố đã có 1.228 ca mắc tay chân miệng. Trong khi đó nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại với biến thể mới BA.4, BA.5 luôn hiện hữu…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Tại Hà Nội, để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy, vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh… Điển hình, vừa qua, quận Hai Bà Trưng đã Tổ chức “Lễ ra quân triển khai đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022" với phương châm "không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết".

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, năm 2017 quận Hai Bà Trưng có số ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ 3 tại thành phố Hà Nội, với 3.134 bệnh nhân và 489 ổ dịch bùng phát. Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ý thức mỗi người dân, hiện quận Hai Bà Trưng đã xếp thứ 15/30 quận/huyện về số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố. Từ những bài học kinh nghiệm của các năm trước, công tác phòng, chống dịch ngày càng được quận ưu tiên quan tâm hàng đầu. Tính đến đầu tháng 8, quận Hai Bà Trưng ghi nhận 16 ca bệnh sốt xuất huyết và chưa xuất hiện ổ dịch.

Để thực hiện chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022 thành công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tích cực tổng vệ sinh nơi làm việc, nơi ở và môi trường xung quanh hằng tuần; thu gom phế liệu phế thải; phát hiện và xử lý triệt để các ổ bọ gậy; diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; không để dịch bùng phát và lây lan…

Tương tự, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, huyện Phúc Thọ đã và đang triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, huyện Phúc Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết với các tình huống cụ thể, nhằm triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, bao gồm các tình huống: Chưa có dịch trên quy mô xã, thị trấn, trong đó có tình huống khi chưa có bệnh nhân, khi có bệnh nhân nhưng chưa có ổ dịch, khi xuất hiện ổ dịch; có dịch trên quy mô xã, thị trấn; dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch theo các xã, thị trấn được phân công phụ trách để chỉ đạo kịp thời.

Song song với đó, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo từng dấu hiệu cụ thể của dịch; đảm bảo trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch đầy đủ, kịp thời, phát hiện nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; kiện toàn đội đáp ứng nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và CDC Hà Nội, bố trí đầy đủ nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, công tác giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp và tại cộng đồng để khoang vùng xử lý kịp thời.

Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ cũng đã chỉ đạo cán bộ được phân công phụ trách các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với trạm y tế kiểm tra, rà soát, xử lý triệt để các ổ bọ gậy tại những khu vực có nguy cơ cao, khu vực công cộng, khu dân cư. Đồng thời, hướng dẫn các trạm y tế xã, thị trấn lập danh sách các điểm nguy cơ để tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân xã, thị trấn. Ngoài ra, Trung tâm Y tế cũng tăng cường giám sát tình hình dịch sốt xuất huyết tại các xã, thị trấn, điều tra, thu thập thông tin các bệnh nhân đang điều trị, các bệnh nhân mắc mới, kịp thời để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện theo quy định.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành CDC Hà Nội, tháng 9 và tháng 10 là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, vì vậy người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Hiện, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt loăng quăng/bọ gậy, cùng với đó là thực hiện tốt các biện pháp theo hướng dẫn của ngành Y tế để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả./.

Minh Khuê
Lượt xem: 118
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...