Nhân viên y tế ở Huế tiếp tục bị chậm lương
HUẾ - Trong khi số tiền lương tháng 12.2024 vẫn đang bị nợ, nhiều nhân viên y tế ở Huế lại bị chậm lương tháng 3.2025.
Nhân viên y tế chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề nợ lương. Ảnh: Quảng An.
Ngày 25.3, chị Phạm Thị T.T - cán bộ một trạm y tế tại quận Thuận Hóa (TP Huế) - thông tin với Báo Lao Động rằng, đến nay, chị và nhiều nhân viên y tế khác vẫn chưa được nhận lương tháng 12.2024. Ngoài ra, lương tháng 3.2025 cũng đang bị chậm.
"Bình thường, khoảng ngày 5, chậm nhất là ngày 10 hàng tháng, chúng tôi đã nhận được lương. Thế nhưng, đến nay (25.3.2025), chúng tôi vẫn chưa nhận được lương tháng 3, trong khi lương tháng 12.2024 cũng chưa được chi trả, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào khoản lương này. Tôi hy vọng các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết để chúng tôi được nhận lương đúng thời hạn, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác" - chị T. chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, Sở Y tế TP Huế cho biết, sẽ cho rà soát vấn đề chậm lương để sớm giải quyết và có thông tin phản hồi báo chí.
Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, tình trạng nợ lương kéo dài tại nhiều cơ sở y tế công lập ở TP Huế đang gây khó khăn cho cuộc sống của nhân viên y tế. Mặc dù mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên 2.340.000 đồng từ ngày 1.7.2024 theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ, nhưng đến tháng 12.2024, nhiều bệnh viện vẫn chưa chi trả lương theo mức mới. Nhiều nhân viên y tế lo lắng khi khoản lương chưa được giải quyết đúng hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt gia đình.
Chị Phạm Thị T.T - cán bộ trạm y tế quận Thuận Hóa - chia sẻ: "29 năm trong nghề, tôi chưa từng thấy tình trạng nợ lương kéo dài như vậy. Những cặp vợ chồng cùng làm trong ngành y tế đang chật vật xoay xở chi tiêu". Tương tự, anh Hồ V.T - cán bộ y tế huyện A Lưới - cho biết gia đình anh đang phải vay nợ ngân hàng để trang trải sinh hoạt và chữa bệnh do lương không được chi trả đúng hạn.
Theo Sở Y tế TP Huế, nguyên nhân chính là do nguồn cải cách tiền lương đã được sử dụng để chi trả phụ cấp ưu đãi từ năm 2023, khiến nguồn kinh phí chi trả lương gần như cạn kiệt. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế hiện vẫn áp dụng mức lương cơ sở 1.800.000 đồng theo Thông tư 22/2023/TT-BYT, gây thiếu hụt nguồn thu để chi trả lương mới.
Việc tự chủ tài chính của ngành y tế với 1.448 vị trí việc làm từ nguồn thu sự nghiệp cũng gặp khó khăn. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ, cộng với sự cạnh tranh từ các bệnh viện tuyến trung ương và tư nhân đã khiến nhiều cơ sở y tế công lập giảm sức hút, dẫn đến nguồn thu hạn chế.
Trước tình trạng này, tháng 10.2024, Sở Y tế Huế đã đề xuất bổ sung 66,7 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để chi trả lương, và sau khi được phê duyệt, số tiền này đã được chuyển về các đơn vị thiếu hụt. Đồng thời, Sở cũng đề xuất HĐND TP Huế điều chỉnh số lượng vị trí việc làm được hưởng lương từ ngân sách thay vì từ nguồn thu sự nghiệp.
Ngoài ra, các cơ sở y tế địa phương cũng đang tích cực tìm giải pháp cân đối tài chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm thu hút bệnh nhân. Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Lộc, ông Lê Viết Cường, cho biết đơn vị đang đánh giá nguồn thu và triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh để đảm bảo tài chính bền vững cho năm 2025.
Giám đốc Sở Y tế TP Huế Trần Kiêm Hảo khẳng định, để giải quyết triệt để vấn đề nợ lương, cần có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và đảm bảo nguồn tài chính lâu dài. Đồng thời, ngành y tế cần tăng cường chuyên môn, đầu tư hạ tầng và nâng cao năng lực khám chữa bệnh để thu hút người bệnh và ổn định nguồn thu.