• :
  • :

Xuất khẩu tôm giảm sâu, Cà Mau ráo riết tìm hướng tháo gỡ

Trước việc xuất khẩu tôm giảm sâu, Cà Mau yêu cầu Sở Công Thương, doanh nghiệp tham gia các cuộc họp giao ban hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ Công Thương.

Xuất khẩu suy giảm, giá tôm lao dốc

Ông Dương Vũ Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, ước tính kim ngạch xuất khẩu tôm trong 5 tháng đầu năm 2023 của tỉnh này chỉ đạt 440 triệu USD, giảm mạnh 29,39% so với cùng kỳ. Trong đó, tại các thị trường lớn như Mỹ giảm 56,61%, EU giảm 19,3%, Nhật Bản giảm 47,68%, Australia giảm 56,83%..

Về giá, theo thống kê, giá xuất khẩu tôm sú giảm 5,18% và giá xuất khẩu tôm thẻ giảm 12,54% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm giảm sâu, Cà Mau ráo riết tìm hướng tháo gỡ
Xuất khẩu tôm của Cà Mau đang gặp khó

Việc xuất khẩu tôm sụt giảm mạnh kéo theo đó là giá tôm tại địa phương cũng biến động theo chiều hướng giảm. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2023 giá tôm ở mức cao, đỉnh điểm vào tháng 3, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 104.000 đồng/kg, tương tự các size tôm từ 70 – 20 con/kg đều ở mức cao, người nuôi có lợi nhuận rất lớn ở thời điểm này. Tuy vậy từ tháng 4/2023 và kéo dài đến thời điểm hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ ở mức 80.000 đồng/kg (giảm 24.000 đồng/kg), loại 20 con/kg ở mức 198.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg đạt mức 120.000 đồng/kg, loại 20 con/kg đạt 230.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cà Mau, việc giá tôm nguyên liệu liên tục giảm đang gây ra nhiều khó khăn cho bà con nuôi tôm.

Theo đó, trên một số địa bàn của tỉnh này, người dân muốn bán tôm thì phải đăng ký với thương lái trước 01 hoặc 02 ngày, để thương lái đăng ký lượng với công ty chế biến và được đồng ý thì mới thu mua.

“Tình hình tôm hiện được bán với giá rất thấp so với trước đây và khi hỏi các đầu mối thu mua thì họ cho biết do các nhà máy chế biến xuất khẩu còn lượng hàng tồn kho nhiều, chưa xuất hết hàng. Bên cạnh đó, việc thu mua tôm của thương lái luôn kèm theo những quy định khắt khe như kích cỡ, màu sắc tôm,…”- một hộ dân nuôi tôm ở huyện Trần Văn Thời cho biết.

Tìm hướng gỡ khó cho con tôm

Chỉ ra nguyên nhân xuất khẩu tôm sụt giảm, Sở Công Thương Cà Mau cho biết, tại các thị trường trọng điểm của tôm Cà Mau hiện đang suy giảm, dẫn tới thiếu đơn hàng, doanh nghiệp tồn kho nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng đều tăng cao… khiến họ vô cùng khó khăn.

Cũng theo Sở Công Thương, năm 2023, chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh Cà Mau là trên 1,3 tỷ USD, trong đó thủy sản đóng góp 1,1 tỷ USD. Tuy vậy với tình hình hiện nay để đạt mục tiêu là rất khó.

Trước tình hình đó, ngày 22/5 vừa qua UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp khẩn với các doanh nghiệp, sở, ngành liên quan nhằm tìm hướng tháo gỡ cho ngành tôm. Tại cuộc họp này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng với các doanh nghiệp cần tham gia các cuộc họp giao ban hàng tháng giữa các cơ quan Bộ Công Thương để nhanh chóng cập nhật thông tin, nhu cầu và các quy định của thị trường để phục vụ cho việc tham mưu chỉ đạo sản xuất nguyên liệu; tăng cường cập nhật thông tin tình hình sản xuất ở cơ sở, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cần tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp có đơn đặt hàng, mở rộng thị trường.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những khuyến cáo cần thiết đến các bên có liên quan để chủ động thích ứng trong sản xuất; tăng cường kiểm tra chất lượng, giá cả đầu vào,… nhằm chỉ đạo hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các đơn vị liên quan tìm kiếm giải pháp liên kết tháo gỡ khó khăn.

Riêng các doanh nghiệp cần ý thức trong việc thu mua nguyên liệu, không để đại lý thu mua chèn ép người dân.

Lượt xem: 4
Tác giả: Mai Ca