Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Kiên Giang, đơn vị số 2 tiếp xúc cử tri thị Trấn Minh Lương huyện Châu Thành
Sáng nay 28/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đơn vị số 2 gồm có bà Nguyễn Thị Kim Bé, Tỉnh Uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang làm trưởng đoàn; Ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Bí thư, Thường trực Huyện uỷ An Biên đã tiếp xúc cử tri thị trấn Minh Lương huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri |
Tại hội nghị, đoàn cũng đã thông báo dự kiến cả UBTVQH, Kỳ họp thứ 3 QH khoá 15 sẽ khai mạc vào ngày 23/5/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 17/6/2022. Tại cuộc họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật và 4 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển kinh tế tỉnh Khánh Hoà.
Ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội nghị |
Đồng thời, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến 6 dự án luật gồm; Luật dầu khí (sửa đổi), Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi). Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật khám chữa bệnh (sửa đổi).
Phát biểu tại hội nghị, cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, nhất là các quyết sách hiệu quả tại các kỳ họp, có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của cử tri tỉnh Kiên Giang nói riêng, cả nước nói chung.
Cử tri Huỳnh Anh Pha xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành có ý kiến, kiến nghị với đoàn đại biểu, cần sớm đầu tư các tuyến đê bao và nâng cấp tuyến lộ để chống ngập để người dân ổn định, sản xuất vì “vừa qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng Cống Cái Lớn, Cái Bé giảm sự xâm nhập mặn, góp phần phát triển sản xuất Nông nghiệp cho tỉnh Kiên Giang cũng các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, khi công trình đi vào vận hành phía bên ngoài cống nước làm tràn ngập các tuyến đê bao, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân như; Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản… tại một số xã trong huyện Châu Thành”
“Trong những năm qua, Chính phủ cũng có ban hành các Luật về Thuỷ sản bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên trong thời gian qua vẫn còn không ít tàu cá đánh bắt tận diệt các loài thuỷ sản làm nguồn thuỷ sản của chúng ta ngày càng kiệt quệ. Đề nghị Quốc hội cần có biện pháp, cơ chế mạnh hơn làm sao bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản này”, cử tri Huỳnh Quốc Toàn Khu Phố Minh An, thị Trấn Minh Lương, Châu Thành chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Bé, Tỉnh Uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị |
Thay mặt đơn vị đại biểu số 2, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé, Tỉnh Uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, đồng thời chỉ đạo lãnh đạo UBND huyện Châu Thành và các Sở, ngành, phòng, ban chuyên môn của Tỉnh, huyện giải đáp một số nội dung cử tri nêu trong hội nghị như: công tác tách thửa đất Nông nghiệp, nước sạch, chế độ cho cộng tác viên dân số, nước ngập do đóng cổng Cống Cái Lớn, Cái Bé và việc vi phạm đánh bắt xa bờ…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Các cử tri hỏi nhiều vấn đề khác nhau và cụ thể như tách thửa và quyền thừa kế đất đai, khai thác thủy sản... Đặc biệt, ý kiến về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì ông Long cho rằng người dân cần lưu tâm trong việc bảo vệ và hạn chế đánh bắt theo hướng tận diệt như: dùng chất nổ, chất cấm, xung điện để bắt cá, tôm. Điều này vi phạm vào quy định của pháp luật Việt Nam.
Cũng hiểu, bà con rất khó khăn, đặc biệt trong đại dịch Covid vừa qua lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, không phải vì khó khăn mà dùng những biện pháp đánh bắt theo hướng tận diệt. Điều này, không những ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia mà còn ảnh hướng đến những vụ lợi đánh bắt thủy hải sản về sau.
Bên cạnh đó, việc hủy hoại nguồn lợi thủy sản người dân có thể bị xử phạt từ phạt tiền đến phạt tù 10 năm (tùy vào mức độ người phạm lỗi). Chưa kể, người dân đánh bắt thủy sản lấn sang nước bạn. Việc làm này không nên và rất là có hại. Bộ trưởng đề nghị bà con tuân thủ và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đánh bắt nhằm góp phần gìn giữ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương và bảo vệ chính mình tránh vướng phải vòng lao lý.
Riêng các ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu tại hội nghị không thuộc thẩm quyền sẽ được tổng hợp để chuyển tới các cơ quan liên quan giải quyết, trả lời cử tri theo thẩm quyền và ông sẽ đặc biệt quan tâm, đôn đốc.
Cử tri phát biểu ý kiến. |
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đơn vị số 2 tặng quà các hộ gia đình khó khăn. |
Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cử tri và các cơ quan ban ngành đã tin tưởng, tạo điều kiện tốt cho Đoàn được hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, ông kính chúc bà con nhân dân cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Kiên Giang nói riêng luôn luôn mạnh khỏe, bình an.