Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm việc với tỉnh Đồng Tháp về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Sáng 24/11, tại Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Buổi làm việc tập trung vào các nội dung gồm: Tiến độ thực hiện mục tiêu các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân; khó khăn, vướng mắc phát sinh, kết quả xử lý các vướng mắc….
Năm 2022, ước giải ngân khoảng 50% so với kế hoạch được giao
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Cẩn – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp – cho biết, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư phát triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh là 1.415,770 tỷ đồng; bao gồm: Ngân sách Trung ương là 443,620 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 972,150 tỷ đồng. Năm 2022, giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình là 568,250 tỷ đồng; bao gồm, vốn ngân sách Trung ương là 158,180 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 410,070 tỷ đồng.
Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia |
Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 có tổng mức vốn kế hoạch đầu tư phát triển thực hiện Chương trình là 15,700 tỷ đồng; bao gồm: Ngân sách Trung ương là 14,257 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 1,443 tỷ đồng. Năm 2022, giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình là 26,827 tỷ đồng; bao gồm: Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình: 26,210 tỷ đồng; vốn sự nghiệp đối ứng từ ngân sách cấp tỉnh để thực hiện Chương trình là 0,617 tỷ đồng.
Ước khả năng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Đồng Tháp đến cuối năm 2022 khoảng 50% so với kế hoạch được giao, phần vốn còn lại chưa giải ngân của năm 2022, địa phương tiếp tục thực hiện và giải ngân trong năm 2023 theo chủ trương của Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã biểu quyết thông qua Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 11/11/2022.
Thông tin thêm tại buổi làm việc, ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, đến nay, tỉnh có 109/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26/109 xã nông thôn mới nâng cao. Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022 ước thực hiện 0,91% (so với mục tiêu đặt ra là 0,4%).
Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với công nghiệp, trong đó, tập trung vào khâu chế biến. Để nâng cao thu nhập thu nhập cho người dân, địa phương cũng đã ban hành bộ tiêu chí riêng, phù hợp với bộ tiêu chí chung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng có những điểm phù hợp với đặc điểm riêng của tỉnh.
4 kiến nghị liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đưa ra 4 kiến nghị liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thứ nhất, liên quan đến quy định quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước tại điểm a, Khoản 5, Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP là không quá 60% tổng chi phí thực hiện một dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực tế việc huy động 40% từ sự đóng góp của người nghèo, kể cả bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động còn thấp. Do đó, đề xuất nâng mức hỗ trợ một dự án từ vốn ngân sách nhà nước lên 70%.
Thứ hai, về mức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn khó khăn quy định không quá 80% tổng kinh phí thực hiện một dự án, thì đề xuất không quá 70% tổng chi phí thực hiện một dự án trên các địa bàn khác là phù hợp.
Do đó, đề xuất sửa đổi điểm a, Khoản 5, Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP như sau: Hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng kinh phí thực hiện một dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng kinh phí thực hiện một dự án trên địa bàn khó khăn; không quá 70% tổng chi phí thực hiện một dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và không quá 2.000 triệu đồng/dự án. Mức hỗ trợ tối đa cho một hộ gia đình do cơ quan chủ quản chương trình cấp tỉnh quy định.
Thứ ba, ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình năm 2022 được giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ (được Bộ Tài chính giao dự toán tại Quyết định số 1056/QĐ-BTC ngày 10/6/2022) chậm hơn quy định tại khoản 9, Điều 3 Nghị quyết số 40/2021/QH15 của Quốc hội: “Xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022) của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 01/3/2022”, do đó địa phương chưa thể tổ chức thực hiện và giải ngân kịp trong năm tài chính 2022.
Do đó, kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của ngân sách trung ương năm 2022 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chưa giải ngân đến hết ngày 31/12/2023.
Thứ tư, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị mở rộng các nội dung được thực hiện về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn không phải vùng nghèo, vùng khó khăn gồm: Xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý; Khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm; Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cần lồng ghép và thực hiện hiệu quả được các Chương trình mục tiêu quốc gia
Phát biểu tại buổi làm việc, ở góc độ thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, Đồng Tháp là một trong các địa phương Top đầu của cả nước trong hoàn thành, cũng như vượt chỉ tiêu về hạ tầng thương mại nông thôn với 100% đạt Tiêu chí số 7.
Đặc biệt việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình "rất sáng" của Đồng Tháp. Đặc biệt là trong công tác kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn từ các địa phương khác, trong đó, đã có những mặt hàng đi vào các hệ thống siêu thị hiện đại với giá thành rất tốt.
Việc quan trọng thời gian tới là địa phương làm thế nào để đặt ra được mục tiêu cho giai đoạn mới, nhất là đối với Tiêu chí số 7 phải đạt được yêu cầu chợ an toàn thực phẩm. Bà Lê Việt Nga gợi mở: "Địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể các nguồn vốn Trung ương, vốn địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hóa để 35 chợ xã tại Đồng Tháp đều là chợ an toàn thực phẩm. Trong đó, việc thu hút nguồn vốn để xây dựng chợ và thu hút được nguồn hàng đã làm được truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng".
Bên cạnh việc lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bà Lê Việt Nga cũng gợi ý Đồng Tháp có thể lồng ghép, tham gia tích cực vào các chương trình kinh tế xã hội khác của Bộ Công Thương như: Xúc tiến thương mại; khuyến công quốc gia; thương mại điện tử; chuyển đổi số; khoa học công nghệ; đề án phát triển thị trường trong nước gắn với “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc |
Ghi nhận những kết quả đạt được, những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá rất cao việc huy động từ nguồn lực của địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương.
Về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình năm 2022 của địa phương sẽ khó đạt được 100%, trong đó có những khó khăn cả khách quan và chủ quan, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng gợi mở: "Hiện chúng ta có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vấn đề đặt ra làm sao có thể lồng ghép và thực hiện hiệu quả được các Chương trình này. Riêng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, địa phương nên thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong các Chương trình tạo động lực, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương".
Kế hoạch được tỉnh Đồng Tháp đặt ra cho năm 2023 như sau: Tổng vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 497,387 tỷ đồng; trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 432,561 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 64,826 tỷ đồng. Địa phương cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành giải ngân năm 2023 trên 95%. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị địa phương quyết liệt triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện của các dự án trong năm 2023.
Ghi nhận ý kiến chỉ đạo của Đoàn Công tác của Bộ Công Thương cũng như Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, nhất là về việc thực hiện lồng ghép các chương trình quốc gia với nhau, cũng như thực hiện có trọng tâm, trọng điểm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cũng như tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc xây dựng cơ chế chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được như kỳ vọng cũng như kế hoạch đặt ra.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm trưởng đoàn đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc |
Cũng trong sáng 24/11, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm trưởng đoàn đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân công lao to lớn của Cụ. Cùng tham dự lễ dâng hương có các đồng chí lãnh đạo UBND và các sở ban ngành tỉnh Đồng Tháp.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đến dâng hương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc |
Sau lễ viếng và dâng hoa, dân hương, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh |
Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh |
Theo kết hoạch, chiều nay (24/11), Đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ làm việc với tỉnh An Giang về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.