• :
  • :

TP.HCM: Không thiếu thuốc Protamin sulfat tại các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật tim

Trước thông tin được đăng tải trên một số tờ báo về nguy cơ dừng mổ tim hở vì hết thuốc đông máu tại một số bệnh viện lớn, đại diện Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) khẳng định: Hiện các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của Thành phố có triển khai phẫu thuật tim hở không bị rơi vào tình trạng này, mổ tim vẫn diễn ra bình thường.

Theo Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa của Thành phố có triển khai kỹ thuật mổ tim như Viện Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tất cả đều báo cáo với Sở Y tế không có tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat - một hoạt chất không thể thiếu khi triển khai kỹ thuật mổ tim hở.

Tại bệnh viện chuyên phẫu thuật tim hàng đầu của TP.HCM như Viện Tim, hiện còn hơn 3.300 ống có thể đủ dùng trong 3 tháng và khi hết thuốc chắc chắn sẽ có nguồn thuốc khác bổ sung, hay tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM hiện còn hơn 400 ống có thể sử dụng trong 1 năm.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, do Protamin sulfat là thuốc hiếm nên các bệnh viện của TP.HCM đều chủ động dự trù để các đơn vị chuyên nhập khẩu thuốc lập đơn hàng nhập khẩu theo quy định và sẵn sàng cung ứng cho các bệnh viện để đảm bảo công tác điều trị của đơn vị. Thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat hiện nay do các cơ sở kinh doanh dược nhập khẩu thông qua hình thức cấp giấy phép nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Các bệnh viện của TP.HCM đã chủ động thực hiện các bước để nhập khẩu loại thuốc này nên sẽ không thiếu thuốc.

TP.HCM: Không thiếu thuốc Protamin sulfat tại các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật tim
Thuốc Protamin sulfat nằm trong danh mục thuốc hiếm nên được ưu tiên cấp giấy đăng ký lưu hành.

Liên quan đến vấn đề này, hiện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã duyệt các đơn hàng nhập khẩu thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat cho một số đơn vị nhập khẩu thuốc như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Thái An (18.000 ống), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha (12.000 lọ),...

Trong khi đó, theo thông tin từ các cơ sở nhập khẩu, mặc dù số lượng thuốc Protamin sulfat đã được cấp phép nhập khẩu là theo đúng số lượng dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu; tuy nhiên số lượng thuốc Protamin sulfat nhập khẩu vào Việt Nam sắp tới vẫn có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với số lượng dự trù hiện tại.

Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác. Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thì mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Cục Quản lý Dược cho biết, trong nhiều năm gần đây, Cục có công văn đề nghị các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động liên hệ kịp thời với các đơn vị nhập khẩu thuốc Protamin sulfat để đặt hàng, mua sắm kịp thời. Chủ động tiến hành công tác dự trữ thuốc, trong đó ngoài số lượng sử dụng theo nhu cầu, các cơ sở khám, chữa bệnh cần phải có một số lượng tồn kho dự trữ thuốc Protamin sulfat để đề phòng khi có nhu cầu đột biến hoặc gặp trục trặc trong cung ứng thuốc. Đồng thời, rà soát lại kế hoạch dự trù, đặt hàng, mua sắm, dự trữ thuốc tiêm chứa hoạt chất Protamin sulfat để đảm bảo tránh gián đoạn việc cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện.

Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc Protamin sulfat tổng hợp toàn bộ các dự trù của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lập kế hoạch và ký hợp đồng sớm với cơ sở sản xuất, cơ sở cung ứng thuốc nước ngoài nhằm đảm bảo các cơ sở này có thể chủ động trong việc sản xuất, cung ứng thuốc kịp thời cho thị trường Việt Nam, tránh thiếu thuốc do ký hợp đồng muộn. Đồng thời, báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/8 về kế hoạch nhập khẩu Protamin sulfat trong thời gian tới.

Minh Tuấn