Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch từ cơ sở
Thời gian qua, để tránh tình trạng dịch chồng dịch, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu chống dịch từ cơ sở.
Vốn là thành viên tổ Covid-19 cộng đồng ngay từ những ngày đầu, đến nay, ông Phạm Văn Hà - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 5 (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) lại tiếp tục tham gia công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, dịch sốt xuất huyết với các cán bộ y tế dự phòng cơ sở.
Các cán bộ tổ dân phố phân công nhau cùng nhân viên y tế, hội viên phụ nữ phường thường xuyên đến từng nhà dân tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kết hợp kiểm tra, vận động người dân xử lý ngay những vật dụng chứa nước lưu cữu có nguy cơ phát sinh bọ gậy, ngăn ngừa muỗi sinh sôi.
Ông Phạm Văn Hà (thứ 3 từ phải sang) cùng cán bộ y tế cơ sở, tổ dân phố đi tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tại các gia đình. |
“Qua việc tuyên truyền của cán bộ y tế cơ sở cùng tổ dân phố, người dân cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch ngay tại nhà. Đặc biệt, các đội phòng, chống dịch bệnh đều được tập huấn các biện pháp phòng dịch và kỹ năng tuyên truyền tới người dân, giúp giảm thiểu công việc cho cán bộ y tế địa phương”, ông Phạm Văn Hà chia sẻ.
Tương tự, tại phường Quán Thánh (quận Ba Đình) các tổ phòng dịch cộng đồng cũng đã đến từng nhà người dân tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào dịch sốt xuất huyết để tránh nguy cơ dịch chồng dịch.
Ông Nguyễn Hữu Sự - Tổ trưởng Tổ dân phố số 7 phường Quán Thánh cho hay, do dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết có nguy cơ lây từ người sang người qua vật trung gian truyền bệnh nên việc tuyên truyền để mọi người biết cách phòng tránh là góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Còn tại huyện Thạch Thất, trong thời gian vừa qua, các dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, sốt xuất huyết, cúm… có chiều hướng gia tăng số ca mắc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất đã đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn một cách hiệu quả, kịp thời.
Trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ngay sau khi các ca bệnh mới được phát hiện, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành khoanh vùng, triển khai phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện còn thực hiện kế hoạch giám sát côn trùng trước chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống dịch; phối hợp tổ chức hiệu quả chiến dịch tổng vệ sinh môi trường…
Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp với 23 xã, thị trấn tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho tổng số gần 2.000 cán bộ y tế, cộng tác viên y tế thôn, tổ dân phố, thành viên tổ xung kích diệt bọ gậy. Qua đó, kịp thời nhận biết các dấu hiệu của bệnh, phối hợp điều trị tốt cho bệnh nhân ngay từ cơ sở.
Trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng các kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động về tiêm vắc xin phòng Covid-19; tổ chức các lớp tập huấn, cấp lại chứng nhận an toàn tiêm chủng cho 78 cán bộ…
Công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ cơ sở luôn được các địa phương quan tâm. |
Đặc biệt, để chủ động kiểm soát, phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, UBND huyện Thạch Thất cũng đã yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động về phòng, chống sốt xuất huyết trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022 trên địa bàn huyện.
UBND huyện Thạch Thất yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nhất là dịch sốt xuất huyết. Thành lập các Tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tới từng thôn, xóm theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Có thể thấy, ngay từ cơ sở, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội cũng đã linh hoạt thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Các tổ phòng dịch cộng đồng của các địa phương đã góp phần tích cực trong công tác phòng dịch từ cơ sở, giúp người dân thêm kiến thức phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng cho lực lượng y tế tuyến đầu.