• :
  • :

Đắk Lắk: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Đắk Lắk phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, nhiều lợi thế như địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ, những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp so với các tỉnh thành khác.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đắk Lắk, xu hướng du lịch nông nghiệp đang dần phát triển mạnh ở địa phương. Hiện cả tỉnh có khoảng 10 farmstay (nông trại kết hợp nghỉ dưỡng) đang hoạt động. Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung bộ, có điều kiện kết nối thuận lợi thu hút nguồn khách du lịch từ các đô thị lớn trong cả nước.

Trong 9 tháng đầu năm, ngành du lịch Đắk Lắk đã đón gần 800.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 560 tỷ đồng. Đặc biệt trong quý III/2022, lượng khách cũng như doanh thu toàn ngành chiếm hơn 40% trên tổng số hai tiêu chí quan trọng này. Với đà tăng trưởng lạc quan như hiện nay, ngành du lịch Đắk Lắk đang có những bước tăng tốc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm để có thể vượt kế hoạch đón hơn 900.000 lượt khách, doanh thu khoảng 770 tỷ đồng của cả năm 2022.

Đắk Lắk: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Du khách tham quan vườn cây ăn trái tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar. Ảnh: Sở VH-TT&DL Đắk Lắk

Để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ngay từ tháng 5/2022, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với mục đích đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Đề án được chủ động, đồng bộ có tính khả thi và hiệu quả trong thực tế góp phần khai thác, phát triển các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Qua đó, nâng cao thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp góp phần nâng cao các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk., Yêu cầu thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; gắn chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn; phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch của tỉnh, đáp ứng nhu cầu du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp của khách du lịch. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu khai thác, phát triển các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương; phát triển du lịch nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế các địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn; xây dựng các chương trình du lịch mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp tạo thành các tour, tuyến, điểm du lịch để khách du lịch được khám phá, trải nghiệm tại địa phương.

Đắk Lắk: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Du lịch nông nghiệp sinh thái là điểm nhấn của du lịch tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: CTBĐ

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk lựa chọn hỗ trợ 15 cơ sở hiện có, đang hoạt động trong loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để các cơ sở duy trì hoạt động và nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch. Điều kiện cơ sở được lựa chọn là những cơ sở có thể gắn với phát triển du lịch, nằm trên các cung, tuyến đường (không quá xa) đến các khu, điểm du lịch hiện có; những cơ sở có sản phẩm được công nhận, đạt tiêu chuẩn theo chương trình OCOP; phát triển thêm mới 30 - 35 cơ sở tham gia vào du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, đặt mục tiêu tổng lượt khách du lịch nông nghiệp dự kiến đến năm 2025 trên địa bàn là 404.000 lượt khách (trong đó khách nội địa là 398.000 lượt khách, khách quốc tế là 6.000 lượt khách), tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân hàng năm là 41,69%/năm; tỷ lệ lượt khách tham quan du lịch nông nghiệp/tổng lượt khách du lịch tỉnh đạt 32,45%; tổng doanh thu lĩnh vực du lịch nông nghiệp đạt 412 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 34,77% doanh thu từ du lịch của tỉnh; tạo việc làm cho khoảng 1.200 lao động năm 2025.

Trong giai đoạn 2026 – 2035, tỉnh Đắk Lắk dự kiến hình thành 30 mô hình vườn mẫu nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu tại các xã gắn với du lịch; xây dựng 20 mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành, kết nối mở rộng bán các nhóm sản phẩm giữa nội vùng, liên vùng và xuất khẩu; phát triển tour du lịch sinh thái nông nghiệp gắn kết với 4 di tích lịch sử để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương. Dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn thu hút được tổng lượt khách du lịch nông nghiệp là 698.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân hàng năm là 11,56%/năm; tỷ lệ lượt khách tham quan du lịch nông nghiệp/tổng lượt khách du lịch tỉnh đạt 35,79%; tổng doanh thu lĩnh vực du lịch nông nghiệp đạt 750 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40,54% doanh thu từ du lịch của tỉnh; tạo việc làm cho khoảng 1.560 lao động năm 2030.

Trong Đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk chủ trì, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại gắn với nông thôn mới, hoàn thiện hạ tầng các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương để phát triển sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề,… gắn với phát triển du lịch; Thường xuyên kiểm tra, xử lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chất lượng hàng hóa và các nội dung khác liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Lượt xem: 13
Tác giả: Đức Thảo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...