Thế giới kêu gọi Azerbaijan và Armenia ngừng xung đột
Ít nhất 49 binh sĩ Armenia và 50 quân nhân Azerbaijan đã thiệt mạng hôm thứ Ba trong cuộc giao tranh đẫm máu nhất giữa hai quốc gia tại khu vực Caucasus kể từ cuộc chiến năm 2020.
Armenia cho biết Azerbaijan đã nã pháo vào các thị trấn gần biên giới bao gồm Jermuk, Goris và Kapan, buộc nước này phải đáp trả. Chính quyền Baku cho biết các đơn vị phá hoại của Armenia đã tìm cách đặt mìn tại các vị trí của quân đội Azerbaijan và bắt đầu vụ nổ súng.
Armenia và Azerbaijan, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đã đổ lỗi cho nhau về cuộc giao tranh mới diễn ra trong đêm tại một số điểm dọc theo biên giới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang lớn khác trong khu vực thuộc Liên Xô cũ.
Nga vô cùng lo ngại tình hình leo thang tại biên giới Armenia-Azerbaijan, đồng thời kêu gọi cả hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn. Nga hiện có một lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực xung đột Azerbaijan-Armenia với tư cách là nước bảo đảm cho một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 tuần xảy ra vào 2 năm trước tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin "đương nhiên đang thực hiện mọi nỗ lực để giúp giảm leo thang căng thẳng ở biên giới" Armenia-Azerbaijan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đêm 12/9. Ông nhấn mạnh: “Nga kêu gọi cả Azerbaijan và Armenia kiềm chế, tuân thủ nghiêm cơ chế ngừng bắn và tuân thủ các tuyên bố ba bên của các nhà lãnh đạo Nga, Azerbaijan và Armenia”.
Chính quyền Moscow đang liên lạc chặt chẽ với Baku và Yerevan cả theo đường ngoại giao và giữa hai quân đội.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc Azerbaijan tấn công các thị trấn Armenia vì đối phương không muốn đàm phán về tình trạng của Nagorno-Karabakh, một vùng đất nằm bên trong Azerbaijan nhưng dân số phần lớn là người Armenia.
Ông Pashinyan cho biết cường độ của các hành động thù địch đã giảm bớt, mặc dù các cuộc tấn công từ Azerbaijan vẫn tiếp tục.
Azerbaijan, nước cáo buộc quân đội Armenia thực hiện hoạt động tình báo và điều động vũ khí dọc biên giới, cho biết các vị trí quân sự của họ đang bị Armenia tấn công.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Armenia và Azerbaijan giảm căng thẳng khẩn cấp. Theo người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric, ông Guterres kêu gọi hai bên "thực hiện các bước ngay lập tức để hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại thông qua đối thoại và theo các hình thức hiện có".